Ca bệnh đầu tiên là trường hợp bệnh nhân Giàng A T. (Nam, 28 tuổi), dân tộc H’Mong ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Trong một lần đi rừng bị côn trùng đốt làm sưng tấy đùi, T đã lấy thuốc nam đắp. Không lâu sau, vết thương lan rộng hoại tử da từ đùi lan đến bẹn và bìu, hoại tử lộ cả tinh hoàn.

Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân đã lơ mơ, xét nghiệm có dấu hiệu suy gan, thận và gia đình đã có ý định xin cho bệnh nhân về nhà. Sau khi hội chẩn và giải thích cho người nhà, người bệnh nhanh chóng được phẫu thuật lấy bỏ tổ chức hoại tử, cầm máu, để hở vết thương. Sau mổ ngoài hồi sức bệnh nhân được truyền dịch và kháng sinh mạnh. Dự kiến anh A.T. sẽ tiếp tục còn trải qua vài lần phẫu thuật cắt lọc, khép da và tạo hình da vùng bìu.

Ca bệnh thứ 2 là trường hợp bệnh nhân Hà V T. (Nam, 57 tuổi) ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Cách đây 1 tuần, ông T có một cái nhọt nhỏ ở vùng nách bên trái. Ông đã tự ý đắp thuốc nam để điều trị. Từ một nhọt nhỏ, cả vùng và ngực bên trái của bệnh nhân đã bị viêm tấy lan tỏa và hoại tử. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cắt lọc, để hở vết thương, dùng kháng sinh mạnh và thay băng thường xuyên bằng những băng đặc biệt cho bệnh nhân.

Rất may mắn, cả hai bệnh nhân trên đã được chuyển đến bệnh viện kịp thời và được phẫu thuật bởi các chuyên gia của Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nên đã tránh khỏi hậu quả đáng tiếc.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn cho biết, trên thực tế rất nhiều người bị các vết thương trong khi lao động, sinh hoạt đã chủ quan chỉ bôi hoặc đắp các loại thuốc nam, việc điều trị như vậy không những bệnh không khỏi mà còn "tiền mất tật mang".