Tại hội thảo “Đánh giá bất cập của pháp luật về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” được Bộ Y tế tổ chức ngày 10/11, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã mở đường cho ngành ghép tạng ở nước ta. Đến nay Việt Nam đã thực hiện được hơn 5200 ca ghép tạng, tự hào là một trong những quốc gia thực hiện được nhiều ca ghép tạng và thành công không chỉ ở Đông Nam Á mà còn cả ở Châu Á”. Nếu như năm 2013 chưa có người nào đăng ký hiến tạng thì đến nay đã có hơn 39.510 người đăng ký tự nguyện hiến nhưng thực tế, con số này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nguồn tạng ở nước ra hiện nay vẫn chủ yếu lấy từ người cho sống. Tỷ lệ người chết não được gia đình đồng ý cho tạng ở mức rất thấp, cứ khoảng 1 triệu dân mới chỉ có 10 người hiến tạng trong khi ở các quốc gia phát triển như Tây Ban Nha, Bộ Đào Nha tỷ lệ này là 50 người trên 1 triệu người.

Có nhiều nguyên nhân cản trở việc hiến ghép tạng ở nước ta, trong đó có nguyên nhân từ rào cản pháp lý. “Theo quy định chỉ được lấy mô, tạng từ người chết não nếu họ có thẻ đăng ký hiến mô tạng từ trước khi chết não. Điều này gây khó khăn cho việc lấy tạng nếu người chưa có thẻ hiến không may chết não dù gia đình đồng ý hiến. Đến nay mới chỉ có gần 40.000 người có thẻ hiến. Thực tế những người hiến chưa chắc đã là người có thẻ. Những người đã có thẻ không may chết não để lấy tạng được, các cơ sở vẫn phải được sự đồng ý của gia đình” - PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu thực tế.

Bên cạnh đó, theo Ths.BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó GĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể người, hiện nay có nhiều bệnh nhi cần được ghép tạng nhưng những quy định về độ tuổi trong Luật lại chưa cho phép người chưa có quy định người chết não dưới 18 tuổi được hiến tạng – đó là rào cản để cứu sống những bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo… Những vấn đề về chi phí liên quan cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các cơ sở ghép tạng.

Về vấn nạn cò mồi, buôn bán tạng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng thừa nhận, thời gian qua đã có những đối tượng lợi dụng kẽ hở trong Luật để thực hiện hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến uy tín của ghép tạng ở nước ta. Vì vậy, ông mong muốn Luật sửa đổi về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trình Quốc hội trong thời gian tới sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay, mở ra cơ hội sống và sống có chất lượng cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và ngăn chặn được việc môi giới, buôn bán mô tạng ở nước ta.