Cựu chiến binh Nguyễn Công Dinh - nguyên Sĩ quan Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu là người mang mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Điện Biên về báo cáo Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở tuổi 97 với 77 năm tuổi Đảng ông vẫn nhớ như in chi tiết hành trình đó.

Nhận nhiệm vụ

"Tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ giờ phút đầu. Kế hoạch lúc đầu là đánh nhanh, giải quyết nhanh, chuyển sang đánh chắc, tiến chắc.

Đêm hôm thứ Sáu, Đại tướng ngồi viết thư để báo cáo Bác Hồ và Bộ Chính trị và phương châm tác chiến. Sáng hôm sau, Đại tướng hoàn chỉnh. Tôi nhớ rất rõ là sau khi ăn cơm trưa xong, anh Hoàng Văn Thái đến gặp tôi, nói tôi lên gặp anh Văn nhận nhiệm vụ.

Đại tướng Hoàng Văn Thái sinh năm 1915, cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái là một trong 34 người đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 9-1945, ông Hoàng Văn Thái được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Quốc gia và giữ chức Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên.

(Chú thích từ tòa soạn)

Tôi lên đến nơi chưa kịp chào, Đại tướng Văn đã chào đón, nhẹ nhàng nói rằng phương châm tác chiến đã thay đổi, cần mang lá thư về an toàn khu tức Thái Nguyên, báo cáo với Bác Hồ. Đại tướng nói đây là bức thư mật. "Chuyện thay đổi phương châm tác chiến chưa có ai được phổ biến nên nhiệm vụ của anh rất quan trọng, phải cầm thư này an toàn báo cáo với Bác Hồ" - Đại tướng nói.

Đại tướng dặn dò rất kỹ rằng, thông tin này không thể đánh điện được, sẽ bị lộ kế hoạch nên tôi phải hết sức thận trọng, đi đến nơi, về đến chốn, đưa bức thư đến tận tay Bác. Tôi trả lời rằng tôi đã sẵn sàng hoàn toàn nhiệm vụ. Lúc đó tôi không có cảm tưởng gì cả. Là một anh cán bộ quân đội, khi nhận một nhiệm vụ dù khó khăn bao nhiêu cũng vui vẻ hoàn thành, không có ý kiến gì cả. Chỉ nghĩ rằng mình phải hoàn thành nhiệm vụ thôi.

Đại tướng hỏi tôi đi bằng gì, cứ lấy chiếc xe Jeep của Đại tướng mà đi. Chiếc xe này là chiến lợi phẩm từ năm 1950 ta đánh Chiến dịch Biên giới lấy được, sửa lại rồi đi thôi. Chỉ có một chiếc duy nhất mà Đại tướng giao cho tôi.

Anh Văn là người rất kỹ lưỡng. Trước khi tôi ra, Đại tướng có hỏi mấy giờ tôi lên đường. Hồi đó, cứ 4 giờ là sương bắt đầu xuống, bộ đội, dân công, thanh niên, hoả tiễn tất cả là ra đường hết, xe cũng ra đường làm nhiệm vụ. Thế thì tôi báo cáo rằng 4 giờ chiều tôi xuất phát.

Những lần thoát bom đạn

"Trên đường đi, tôi phải đi ra Tuần Giáo, Tuần giáo đi qua Đèo Pha Đin, đi về đến ngã ba Cò Nòi, đi qua đèo Khế, đi về Cao Vân… Con đường ấy ngày xưa chúng tôi thuộc làu rồi.

Lúc đó tôi chưa có cảm xúc gì cả, chỉ biết nhận nhiệm vụ cấp trên là đi làm thôi. Trên đường đi cũng không phải êm ả gì, gặp rất nhiều khó khăn mà chúng tôi đã vượt qua hết.

Cái khó khăn thứ nhất là khi xuống đèo Pha Đin, dọc đường trên đó người ta bố trí các trạm gác, cứ tàu bay đến là gõ kẻng. Vì vậy, mọi người người ai ở trên đường nghe kẻng là biết sắp có tàu bay. Đến đèo Pha Đin nghe kẻng đánh, đồng chí lái xe bảo: "anh ơi nhảy xuống", chúng tôi vừa mới nhảy xuống thì bom nổ cái đùng, may chưa đến chúng tôi.

Đồng chí lái xe gọi: "Lên xe ngay anh ơi". Chạy trên đường một đoạn khoảng 100m thì té ra bom nổ ở ngay phía trước. Nếu như xe của chúng tôi đi nhanh một tí thì có khi lại gặp khó khăn, nhưng mà có lẽ trời ủng hộ cho chúng ta làm chiến dịch này nên là tránh được.

Xe thường không đi ban ngày. Chúng tôi phải tranh thủ cả đêm, chỗ nào đi được thì mình đi, bao giờ có kẻng thì mình nấp. Lo lắng nhất là đi qua ngã ba Cò Nòi, vì chỗ đấy có một đường đi thẳng về Thanh Hóa, một đường đi qua Âu Lâu, đi qua phà Yên Bái và đi về an toàn khu. Đây được coi là tử địa. Ai cũng sợ mà khi xe chúng tôi đến đấy trong bụng cũng nơm nớp. Có lẽ là lại ông trời ủng hộ, chúng tôi đi qua Cò Nòi và không có vấn đề gì cả.

Phà Âu Lâu thì bao giờ cũng đông người mới đi. Nhưng tôi đi xe Jeep, nhà phà họ lại tưởng đi xe Jeep chắc là đồng chí chỉ huy nào ra trận, chớ họ không biết trên xe là mình đi đâu. Phà cập bến và cho xe của chúng tôi sang ngay.

Sang đến nửa sông thì lại kẹt, mà lúc đó mới có hơi sợ một tí. Tôi nói với đồng chí lái xe rằng: "đồng chí chuẩn bị nhớ, nổ máy xe sẵn, khi mà đồng chí nghe tiếng phà nó đụng vào đất thì cho xe phóng ngay chứ không tôi e là nguy lắm đấy". Đúng y như rằng, phà đụng vào bờ thì xe đã vọt lên. Xe vừa chạy độ khoảng dăm chục mét thì bom đã nổ đằng sau nhưng mà may nó nổ xuống nước, phà thì đã cập bến rồi.

Trao mật thư

Đến nơi, tôi nói ngay với đồng chí gác ở ngoài nhiệm vụ của tôi. Từ trạm gác đến nơi Bác họp còn xa nữa. Một lúc sau đồng chí chạy ra nói với tôi là không được, Bác đang họp. Tôi về đến đây rồi mà chưa đưa thư cho Bác thì sốt ruột lắm. Tôi nghĩ mãi và tôi nói: "Trước lúc đi Đại tướng đã dặn tôi rồi, có anh Văn Tiến Dũng ngồi họp ở đấy. Nếu như mà chưa gặp được Bác thì gặp anh Văn Tiến Dũng để báo cáo tình hình mật vụ với anh để anh Dũng báo cáo lại với Bác".

May quá, một lúc anh Văn Tiến Dũng ra gặp. Tôi báo cáo hết tình hình, lúc nào Bác Hồ cần gặp, gọi tôi vào thì anh báo cho tôi biết. Anh Dũng mang thư vào, tôi đợi mãi cũng không thấy ai gọi, tôi cứ ngồi ở ngoài. Hết giờ thì anh Dũng ra nói thư của anh Văn tôi đã đưa tận tay Bác rồi nhưng Bác chưa xem, "Cậu cứ về ngủ đi, sáng mai đến đây, có gì thì tôi sẽ báo" - Anh Dũng nói.

Thế thì đến độ 10 giờ sáng hôm sau, anh Dũng chạy ra báo với tôi rằng Bác Hồ đã xem đầy đủ bức thư của anh Văn rồi. Thư anh Văn viết rất cụ thể, không cần gặp đồng chí phái viên nữa, cho đồng chí về để tiếp tục công việc trên chiến dịch. Thế thì chiều 30 hôm đó tôi về, đi suốt cả ngày 31 và sáng mồng 1 tôi về lại chỉ huy sở số hai. Trên đường thì không có gì ăn cả thế là các đồng chí ở đó đi lục được túi cơm nguội đưa tôi ăn tạm.

5 giờ chiều thì tôi lên gặp Đại tướng ngay. Tôi chưa kịp chào thì Đại tướng đã đon đả:

-“Cậu Dinh về rồi đấy à?”.

“Báo cáo anh tôi đã về”

Đại tướng không bao giờ để cho cấp dưới cảm giác sợ nên khi đến là hỏi ngay.

Anh Văn nói Bác Hồ đã xem và đã trả lời đây rồi. Bác đồng ý thay đổi phương châm tác chiến của ta. Lúc đó tôi rất mừng vì mình đã đưa thư đến tay Bác Hồ và Bác Hồ đã trả lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp kịp thời".

Quyết định lịch sử

40 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.

Đây được coi là quyết định lịch sử trong chiến dịch lịch sử. Bằng quyết định này, ta đã làm cho Bộ chỉ huy quân Pháp hoàn toàn bất ngờ: Việt Minh không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến trong 3 đêm 2 ngày với hơn 16 ngàn quân tinh nhuệ và thiện chiến của Pháp đang án ngữ trong 49 cứ điểm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một pháo đài mà họ cho là “bất khả xâm phạm”. Với quyết định này, ngày mở màn trận đánh “kinh điển” Điện Biên Phủ được lùi lại một tháng rưỡi so với kế hoạch đã được xác định.

Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã chủ động chuyển sang vây hãm dài ngày; triệt phá đường tiếp tế; xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh, đào hàng trăm km đường hào, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện; tập trung binh hỏa lực tiêu diệt từng cứ điểm; tạo thế chia cắt cô lập với bên ngoài và giữa các cứ điểm, các trung tâm đề kháng với nhau… tiến tới tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm.

Thực tế lịch sử diễn ra trong 56 ngày đêm (từ 13/3 -7/5/1954) chứng minh cho thấy quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quyết định đó được coi là “chìa khóa” để mở cánh cửa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nó được đưa ra dựa trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy.