Gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm - Nguy cơ từ thức ăn đường phố

Theo ghi nhận, tại nhiều khu chợ truyền thống, cổng trường học, vỉa hè không khó để mua được các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt đủ loại như: bánh tráng trộn, bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, chân gà...Khách hàng của những hàng quán này rất đa dạng, chủ yếu là người đi làm, học sinh, sinh viên…

Bảo Hà, sinh viên năm 2 trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, em và các bạn thường tụ tập ăn vặt tại các quán hàng rong sau mỗi giờ tan học. Mặc dù điều kiện vệ sinh không đảm bảo nhưng vì giá cả hợp túi tiền nên đây vẫn là lựa chọn yêu thích của Hà.

“Bọn em thường ăn xiên bẩn bán ngay gần cổng trường, cũng thấy có nhiều ruồi, dầu ăn bị đen vì chiên lại nhiều lần và có mấy chai tương ớt tương cà cũng không được sạch sẽ lắm, nhưng ăn mãi cũng quen”, Bảo Hà chia sẻ

Thế nhưng, mới đây, Hà đã phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn “xiên bẩn” khoảng 1 giờ đồng hồ.

Trao đổi với PV VOV2, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, thời tiết càng nóng ẩm, vi sinh vật và vi khuẩn có hại càng phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng. Khi xâm nhập thực phẩm, vi khuẩn phát triển rất nhanh nhân lên gấp nhiều lần trong thời gian ngắn, sinh ra chất độc gây ngộ độc, nhất là các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau, trái cây, thậm chí thực phẩm đóng hộp.

Đối với những thực phẩm khi đã nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc.

“Các loại thực phẩm như: thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, pate, giò lụa… là môi trường giàu dinh dưỡng, protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố. Ví dụ như vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ ở Đồng Nai xảy ra mới đây thì với quy mô bán với số lượng lớn như vậy thì rất khó để đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm. Các nguyên liệu như thịt, giò chả có thể nhiễm vi khuẩn gây bệnh bất cứ lúc nào. Rồi điều kiện về cửa hàng, tay người chế biến, dụng cụ sơ chế... chỉ cần không đảm bảo ở một khâu thì có thể là nguồn lây vi khuẩn", PGS.TS Nguyễn Quang Dũng cho hay.

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng cũng nhấn mạnh, tại các quán ăn vỉa hè, gánh hàng rong, thực phẩm thường không được bảo quản lạnh, không che đậy cẩn thận có thể nhiễm bụi bẩn hay các vi sinh vật bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, các cơ sở này cũng không đảm bảo về nguồn nước sạch mà thường dùng đi dùng lại nhiều lần. Tất cả những yếu tốt này đều có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Lưu ý thực hành dinh dưỡng đúng, phòng ngộ độc thực phẩm

Để phòng tránh ngộ độc ngày nắng, nên mua thực phẩm còn tươi mới, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn không qua chế biến nhiệt để diệt vi khuẩn như gỏi, nộm, tiết canh...

Khi nhiệt độ tăng cao, các loại rau củ quả, thịt cá dễ hư hỏng. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, tránh để ngoài môi trường nhiệt độ phòng quá một ngày. Thức ăn được nấu chín có thể để ở nhiệt độ phòng và nên ăn trong vòng hai giờ.

Nhiệt độ cao khiến thức ăn dễ biến chất hơn, nên ăn ngay thay vì để ở môi trường bên ngoài. Nấu vừa đủ ăn, tránh để qua đêm. Trong trường hợp vẫn thừa thức ăn thì bọc kín và cho ngay vào ngăn mát tủ lạnh dưới 4 độ C.

Trước khi chế biến đồ ăn, trước khi dùng bữa, sau khi đi vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.