Báo động tình trạng giảm phát hiện, sàng lọc bệnh nhân lao

Một tuần trước ông Nguyễn Hữu Cường ở huyện Hoài Đức, TP. Hà nội được gia đình đưa đến Bệnh viện phổi HN trong tình trạng mệt mỏi, ho, khó thở liên tục và gày sút cân. Bà Nguyễn Thị Hoa, vợ ông cho biết, các triệu chứng này đã xuất hiện từ khoảng 2 tuần nay, nhưng ông Cường không đến bệnh viện khám mà chỉ ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống. Khi cơ thể quá suy nhược, sụt đến 5kg, đi lại không vững, ông Cường mới đến bệnh viện. Chỉ 2 ngày sau khi vào viện, cơn khó thở tăng lên, ông Cường phải đặt nội khí quản để thở máy.

Kết quả các xét nghiệm chẩn đoán cho thấy, ông Cường đã mắc bệnh lao, nhưng do không được phát hiện sớm nên vi khuẩn lao đã gây tổn thương cả 2 phổi.

Do bệnh nhân đến muộn nên vi khuẩn lao đã phá hủy nhu mô phổi, tổ chức xơ phát triển, xuất hiện ở cả 2 bên phổi gây ra tình trạng khó thở nặng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác” – Bác sĩ Đặng Việt Phong, khoa cấp cứu hồi sức tích cực của Bệnh viện phổi HN cho biết.

Hiện ông Cường đang được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, tuy nhiên thuốc chỉ có thể giúp kiểm soát và thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nhưng không thể khôi phục được các tổn thương ở phổi.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng là trường hợp phát hiện bệnh lao muộn. Từ cuối năm ngoái, ông Tuấn đã có dấu hiệu ho, mệt mỏi nhưng vì sợ mắc Covid-19 nên không đến khám ở các cơ sở y tế.

Vài tuần trước cả gia đình ông đều dương tính với SARS-CoV-2 và đều được theo dõi, điều trị tại nhà. Sau khi khỏi Covid-19 ông Tuấn cảm thấy sức khỏe yếu đi rất nhiều. Đặc biệt thường xuyên bị ho và sốt khi về chiều. Lúc này ông mới đến bệnh viện khám. Tại Bệnh viện Phổi Hà nội các bác sĩ kết luận ông bị mắc lao.

Hình ảnh cho thấy phổi của bệnh nhân bị thâm nhiễm rất nhiều, có hang trong nhu mô phổi phải. Chúng tôi đánh giá tổn thương đã ở mức trên trung bình”- Bác sĩ Đặng Việt Phong thông tin.

TS.BS Hoàng Văn Huấn – Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Hà nội cho biết, trước kia trung bình mỗi năm có khoảng 5000 bệnh nhân lao các thể đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi HN hay Chương trình Chống lao quốc gia tại Hà nội, nhưng riêng năm 2021, con số này đã giảm khoảng 17%.

Thông tin từ PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi TW, Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia, năm 2021 cả nước đã giảm phát hiện bệnh lao đến 23% so với năm 2020. “Tệ hơn bức tranh toàn cầu” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Việt Nam được xếp vào vào nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới với 172.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm. Những tác động của COVID-19 đã khiến các dịch vụ phát hiện bệnh lao và chăm sóc bệnh lao ở Việt Nam giảm nghiêm trọng, với tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao giảm 23% trong 10 tháng đầu năm 2021.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu nhất là do tác động của dịch Covid-19.

Trong dịch, người dân sợ nhiễm Covid-19, sợ phải khai báo y tế nên không đi khám bệnh. Nhiều bệnh viện chuyên khoa lao phổi chuyển đổi thành cơ sở điều trị Covid-19 nên các hoạt động phát hiện, điều trị lao bị ảnh hưởng rất nhiều. Các hoạt động khám phát hiện sàng lọc tại cộng đồng phát hiện sớm lao không được tổ chức do không được tập trung đông người. Chính vì vậy, số bệnh nhân lao được phát hiện năm 2021 giảm nghiêm trọng, không đạt được mục tiêu đề ra.

Những hệ lụy khó lường

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn như hiện nay, nếu chúng ta không có các giải pháp khẩn cấp, bệnh lao bùng phát sẽ rất nguy hiểm.

Với những bệnh khác, chậm một chút thì chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người đó thôi, nhưng đối với lao thì không chỉ là một người mà sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người. Bởi lẽ, điều trị lao không phải chỉ trong vòng khoảng10 ngày như Covid-19 và người mắc cũng không thể tự điều trị khỏi như Covid-19. Chữa lao ít nhất phải 6 tháng, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện sớm” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung lo ngại.

Với tỷ lệ phát hiện mắc lao giảm 23% có nghĩa là đã có một lượng lớn người mắc lao không được phát hiện và đây sẽ là nguồn lây trong cộng đồng.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, hậu Covid-19 chủ yếu là những vấn đề về hô hấp và rất khó phân biệt với bệnh lao. Đã có nghiên cứu cho thấy, Covid-19 đã khởi động lại một số tác nhân gây bệnh, đó có thể là điều kiện để vi khuẩn lao tiềm ẩn trong người sẽ tái bùng phát thành bệnh.

Cần hành động trước khi quá muộn

Chúng ta phải có những giải pháp hết sức toàn diện mới có thể bù đắp lại những chỉ tiêu chưa đạt được trong năm 2021. Làm thế nào để phát hiện được hết những nguồn lây chưa được phát hiện, nếu không chắc chắn bệnh lao sẽ bùng phát mạnh” – PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cảnh báo.

Để làm được điều này, về phía các cơ sở y tế, ông Nhung cho rằng, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch Covid-19 như hiện nay các bệnh viện chuyên khoa không dành cả để điều trị bệnh Covid-19, cần làm sao vừa đảm bảo chống dịch nhưng phải linh hoạt để người dân dễ tiếp cận với các dịch vụ điều trị bệnh lao. "Muốn làm được như vậy lãnh đạo các địa phương phải quan tâm và sát sao chỉ đạo" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Về phía người dân, ông khuyến cáo “cần hết sức chú ý đến các bệnh lý có liên quan đến Covid-19, bởi hậu Covid-19 chủ yếu biểu hiện bệnh lý ở đường hô hấp như ho kéo dài, hụt hơi, tức ngực, khó thở…tất cả những biểu hiện đó rất có thể là bệnh lao”.