Với trẻ em, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị tốt, 75% trẻ sẽ ổn định và chỉ 25% bệnh sẽ tiến triển ở giai đoạn trưởng thành.

Nguyên tắc cơ bản trong điều trị bệnh hen nói chung và hen ở trẻ em nói riêng là không phải điều trị một đợt mà là cả một quá trình, ít nhất là 6 tháng, thậm chí 1 đến 2 năm, bởi hen phế quản là bệnh mãn tính ở đường thở, bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần.

Điều trị hen bao giờ cũng có 2 phần gồm điều trị cơn hen cấp và điều trị dự phòng hen. Tuy nhiên theo TS.BS Lê Thị Thu Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà nội, nhiều cha mẹ hiện nay mới chỉ quan tâm điều trị cơn hen cấp ở trẻ, không chú trọng đến điều trị dự phòng. “Kết quả mà cha mẹ nhìn thấy sau một đợt điều trị của con là cơn hen được kiểm soát, nhưng điều mà bác sĩ mong muốn phải là lá phổi của con được khỏe mạnh và muốn được như thế thì không thể điều trị một đợt rồi ngừng thuốc” - TS.BS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Có một thực tế nữa gây khó khăn cho việc điều trị bệnh hen ở trẻ em đó là tâm lý phủ nhận bệnh. Nhiều cha mẹ khi bác sĩ thông báo con bị viêm phế quản thì dễ chấp nhận, nhưng nếu kết quả là bệnh hen thì tâm lý đón nhận lại khác. Trong quá trình khám bệnh tại Đại Học Y Hà nội đã có lần TS.BS Lê Thị Thu Hương phải viết vào phiếu chẩn đoán là khò khè tái diễn, theo dõi hen phế quản để bố mẹ đỡ bị “sốc” tâm lý. Nhưng “khi phủ nhận bệnh như vậy vô hình chung làm mất đi cơ hội quyền được điều trị sớm của con”- TS.BS Lê Thị Thu Hương chia sẻ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 80% bệnh nhân hen phế quản liên quan đến yếu tố dị ứng mà dị ứng là cơ địa và do di truyền. Mặc dù là bệnh không chữa khỏi nhưng trẻ hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn hen bằng thuốc điều trị dự phòng và tránh xa các yếu tố gây kích ứng. Quan trọng là cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ trẻ có thể mắc hen và đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa.