Tỷ lệ nhiễm giun, sán ở trẻ em Việt Nam vẫn cao

TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng TƯ cho biết, trẻ nhiễm giun chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, tỷ lệ nhiễm khá cao.

“Tôi có một nghiên cứu thực hiện năm 2021, tỷ lệ nhiễm giun ở trẻ tiểu học, lứa tuổi nhỏ (5-11 tuổi) ở Hà Giang là 60%, Điện Biên 50%, Lai Châu 58%, các tỉnh sông Hồng dao động từ 10-15%, các tỉnh miền Trung 20-30%, các tỉnh phía nam thấp hơn khoảng từ 1-15%”- TS Đỗ Trung Dũng nói.

Nhiễm giun: Trẻ thường nhiễm một số loại giun thông thường, giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc và giun móc. Ngoài ra trẻ có thể bị nhiễm giun kim và một số loài giun khác như giun lươn đường ruột, giun lươn não và một số ấu trùng giun đũa chó mèo.

Nhiễm sán: Trẻ thường nhiễm sán lá gan lớn. Thường do vô tình đi kiểm tra sức khỏe mới phát hiện nhiễm sán ở trẻ.

Vì sao trẻ lại dễ bị nhiễm giun, sán?

Theo TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng TƯ, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nhiễm giun, sán.

Giun truyền qua đất hoặc giun kim: Do trẻ tiếp xúc thường xuyên với đất, trong đất thường có các loại trứng giun (giun đũa, giun tóc và giun móc), giun kim ở giường, chiếu ở trong nhà, trẻ cũng có thể vô tình bị nhiễm phải. Hoặc trẻ có thể ăn rau sống thì có thể nhiễm phải cái trứng của giun

Nhiễm sán ở trẻ phức tạp hơn. Trẻ có thể nhiễm sán lá gan lớn là do trẻ có thể ăn phải rau thủy sinh sống, chưa được nấu chín.

Giun lươn đường ruột có thể nhiễm qua da của trẻ khi trẻ tiếp xúc với đất.

Ấu trùng giun đũa chó mèo: Khi trẻ tiếp xúc với chó mèo, hoặc với môi trường đất có trứng của giun đũa chó mèo thì cũng có thể nhiễm.

Nguy cơ bệnh nặng từ việc nhiễm giun, sán

Theo TS Đỗ Trung Dũng, trẻ nhiễm giun hoặc sán có nguy cơ gặp rất nhiều nguy hiểm, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim có thể sống ký sinh trong ruột non, tá tràng, manh tràng, đại tràng thì tất nhiên, nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng của chúng ta. Một con giun đũa có thể hút 0,14 gam chất bổ và 0,2ml máu/ngày dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu, gầy yếu, sút cân", TS Trung Dũng chia sẻ.

Giun đũa có thể gây ra biến chứng như giun chui ống mật, giun chui ruột thừa gây viêm ruột thừa, có thể gây lồng ruột, tắc ruột.

Giun lươn não có thể gây tổn thương não ở trẻ em.

Ấu trùng giun đũa chó mèo sống ký sinh trên khắp cơ thể nên có thể gây ra những ảnh hưởng rất khác nhau đối với sức khỏe của trẻ.

Dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm giun, sán

Trẻ có thể đau bụng, tình trạng này có thể kéo dài hoặc thỉnh thoảng đau. Trẻ có thể đi ngoài phân sống hoặc tiêu chảy. Ngoài ra còn sụt cân, chán ăn, ăn không tiêu, bụng chướng.

Trẻ có biểu hiện biến chứng do giun, có biểu hiện lồng ruột, tắc ruột trẻ sẽ quấy khóc nhiều, đau bụng quằn quại, bụng chướng to và cứng

Giun kim thường gây cho trẻ tỉnh giấc vào ban đêm, trẻ thường vô tình tỉnh giấc, có biểu hiện ngứa hậu môn. Khi trẻ ngứa hậu môn thì có nghĩa là giun kim chui ra ngoài nếp nhăn hậu môn và đẻ trứng và gây phiền toái cho trẻ.

Giun lươn não gây viêm màng não có tăng bạch cầu ái toan thì trẻ có những triệu chứng nặng nề hơn có nôn, sốt, lơ mơ, mệt lả, quấy khóc, đau đầu, đau bụng. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và xét nghiệm để xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Ngoài ra với sán lá gan lớn thì nhiều khi trẻ cũng không có biểu hiện gì. Đôi khi chỉ có thể phát hiện khi tình cờ trẻ đi khám sức khỏe, xét nghiệm và phát hiện ra những tổn thương gan nghi là do sán lá gan lớn.

Làm thế nào phòng tránh giun sán cho trẻ?

TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý 2 vấn đề để phòng tránh hiệu quả giun, sán ở trẻ.

Về vệ sinh môi trường: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần vệ sinh nhà cửa, giường chiếu. Các giá viên cần vệ sinh lớp học, trường học, rửa các dụng cụ đồ chơi cho học sinh hằng ngày. Cần quản lý môi trường xung quanh sạch sẽ. Quản lý nguồn phân người, phân gia súc, phải ủ trước khi bón cây, tránh phát tán mầm bệnh, trứng giun ra ngoài môi trường.

Vệ sinh cá nhân: Bắt buộc phải ăn chín, uống chín, không để ruồi nhặng bay vào thức ăn. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc với đất, nếu có tiếp xúc cần phải có đồ bảo hộ lao động, sau đó vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Tẩy giun định kỳ là việc cần làm định kỳ.

Cần tuyên truyền cho học sinh, cha mẹ học sinh, nhà trường biết về giun sán và có cách phòng chống phù hợp.

Những nguyên tắc khi tẩy giun cho trẻ

“Tẩy giun là phương pháp duy nhất loại bỏ giun trong cơ thể và đây cũng là cách để dự phòng. Cần tẩy giun 2 lần/ năm. Chọn thuốc an toàn, có hoạt phổ rộng, diệt được nhiều loại giun và các giai đoạn phát triển của giun. Đa số các loại thuốc hiện nay khá an toàn”, TS Đỗ Trung Dũng nói.

Hiện trên thị trường có hai loại thuốc tẩy giun thông dụng: mebendazol và albendazol, trong đó mebendazol là hoạt chất thuộc nhóm chống giun sán phổ rộng, sử dụng đơn liều (không phụ thuộc vào cân nặng của người dùng), dùng trong điều trị nhiễm giun phổ rộng (tiêu diệt được nhiều loại giun cùng lúc).

Tẩy giun cho cả gia đình và nhà trường: không nên chỉ tẩy giun cho trẻ nhỏ hoặc một thành viên nào đó trong gia đình, cần tẩy giun định kỳ cho cả nhà, cả trường vì người bệnh có thể vô tình gây tái nhiễm giun cho các thành viên khác qua đường ăn uống, qua da hoặc không khí khi tiếp xúc trực tiếp với người mang mầm bệnh.

Có thể uống thuốc tẩy giun vào bất cứ thời điểm nào trong ngày: với thuốc tẩy giun mebendazol dạng polymorph C, khi uống thuốc không phải nhịn ăn hoặc dùng thuốc sổ như một số loại thuốc trị giun cũ và có thể uống thuốc khi bụng đói hoặc no.