"Nợ miễn dịch" không phải là nguyên nhân duy nhất

Thời gian qua, các cơ sở y tế trên toàn quốc, nhất là các bệnh viện chuyên khoa nhi truyền nhiễm rơi vào tình trạng quá tải bởi rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lý về đường hô hấp, cúm, sốt virus, sốt xuất huyết…Điều đáng nói là nhiều dịch bệnh diễn biến biến phức tạp, không tuân theo mùa, ghi nhận nhiều ca tăng nặng. thời gian mắc bệnh kéo dài.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - tình trạng “dịch chồng dịch” trong thời gian qua có một phần nguyên nhân là do “nợ miễn dịch” hay nói đúng hơn là do “khoảng trống miễn dịch” trong cộng đồng sau thời gian giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc trong đại dịch COVID-19 trước đó.

“Một bệnh truyền nhiễm mà lây truyền từ người này sang người khác thì phải có nguồn lây. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 cho đến đầu năm nay, chúng ta đã nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19. Do đó, sự tiếp xúc giữa người bệnh với người lành cũng như với các yếu tố môi trường mang mầm bệnh rất hạn chế. Khi không có nhiều người mắc bệnh nghĩa là tỉ lệ miễn dịch của cộng đồng với bệnh đó không đạt như trước kia. Mặt khác, một số bệnh theo chu kỳ cứ 3-5 năm quay trở lại một lần, đáng lẽ nó sẽ bùng lên trong giai đoạn 2020 – 2022. Các biện pháp mà chúng ta đã thực hiện nhằm phòng chống dịch COVID-19 đồng thời cũng đã giúp kiềm chế hiệu quả các dịch bệnh khác. Do đó khi chúng ta trở lại cuộc sống bình thường, đi lại, giao lưu, tiếp xúc nhiều thì đấy là điều kiện thuận lợi để những bệnh không có miễn dịch cộng đồng bùng phát”- PGS-TS Trần Đắc Phu giải thích.

Vị chuyên gia về y tế dự phòng cũng khẳng định, “nợ miễn dịch” không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự gia tăng số lượng người mắc các bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây. Một yếu tố rất quan trọng đó là sự lơ là, chủ quan trong phòng bệnh của cộng đồng.

“Phòng bệnh bao gồm hai yếu tố, đó là dự phòng cá nhân và tiêm chủng. Về dự phòng cá nhân thì bao gồm các biện pháp như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh, với bệnh sốt xuất huyết thì diệt muỗi, diệt loăng quăng… Về tiêm chủng, đúng là trong dịch COVID-19, nhiều dịch vụ y tế thiếu yếu bị “bỏ quên” trong đó có tiêm vaccine phòng bệnh. Do đó, dịch bệnh bùng phát không thể đổ lỗi hoàn toàn cho “nợ miễn dịch” - PGS-TS Trần Đắc Phu nói.

Làm thế nào để an toàn trước các dịch bệnh truyền nhiễm?

PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo, trong mùa đông – xuân, thời tiết lạnh ẩm là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh như Adenovirrus, Rotavirus, virus cúm…Dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, mọi người đi lại, giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn và đây cũng là một trong những nguy cơ khiến dịch bệnh dễ lây lan.

Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi có nguy cơ bùng phát trên toàn thế giới do hàng chục triệu trẻ em đã bỏ lỡ các mũi tiêm vaccine trong năm ngoái. "Chúng ta đã chứng kiến dịch sởi rất căng thẳng vào năm 2014 -2015. Năm nay, rất có thể dịch sởi sẽ quay lại theo chu kỳ. Hầu hết trẻ mắc bệnh là do chưa được tiêm phòng. Còn nếu được tiêm phòng hoặc đã từng nhiễm bệnh thì trẻ sẽ có miễn dịch bảo vệ suốt đời" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, mọi người nên chủ động phòng bệnh lây qua đường hô hấp bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa bằng cách thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng bệnh sốt xuất huyết bằng biện pháp diệt muỗi và loăng quăng, phòng chống muỗi đốt. Với những bệnh đã có vaccine thì nên tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Ông cũng cho biết, miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi có một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với một loại vi khuẩn, virus, qua đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch. Do đó, tất cả mọi người nên có ý thức chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine.

Hiện nay tại nước ta, nhiều tỉnh thành đang xảy ra tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng như vaccine phòng bệnh Sởi - Rubella, viêm não Nhật Bản và bại liệt dạng uống. PGS-TS Trần Đắc Phu bày tỏ sự lo ngại trước tình hình này và cho biết hiện các loại vaccine này đã có sẵn vaccine trong kho. Tuy nhiên, hiện Bộ Y tế đang chờ các nhà sản xuất xây dựng phương án giá để thẩm định sau đó trình Bộ Tài chính, được chấp thuận mới có thể mua bán.

“Đây đều là những loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em nên mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng miễn phí. Vì vậy cần thiết phải tiêm vaccine đúng lịch và tiêm càng sớm càng tốt. Các vaccine này đều được sản xuất trong nước nhưng nếu trục trặc ở thủ tục mua sắm thì tôi nghĩ rằng các ngành cần phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ để cho ngành y tế có đủ vaccine để tiêm cho trẻ” – vị chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nêu ý kiến.