Tính đến trung tuần tháng 10 năm nay, cả nước đã ghi nhận 46 trường hợp tử vong do bệnh dại. Điều đáng nói, bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Cụ thể, Bến Tre ghi nhận 13 trường hợp (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái), Kiên Giang có 5 ca tử vong (năm 2021 chỉ ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 5 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng Văn phòng Khống chế và loại trừ bệnh dại Quốc gia, Bộ Y tế, trước đây bệnh dại tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có sự dịch chuyển vào các tỉnh miền Nam.

Các tỉnh trọng điểm có những hoạt động về phòng, chống bệnh dại khá tích cực. Ví dụ như tiêm vaccine phòng dại miễn phí cho đàn chó, tiêm phòng miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số hay những đối tượng yếu... nên số ca tử vong tại các tỉnh trọng điểm này đã giảm một cách rõ rệt. Trong khi đó, những địa phương không phải là trọng điểm lại có tâm lý chủ quan, lơ là với các biện pháp phòng dại nên số ca bệnh dại thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng.” TS Thanh Hương cho biết lý do bệnh dại gia tăng tại những tỉnh vốn không phải là trọng điểm.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới, giải pháp hiệu quả nhất để khống chế bệnh dại là có ít nhất 70 % tổng đàn chó thực của địa phương được tiêm phòng dại trong 2 năm liên tiếp. Tuy nhiên, thống kê của Cục Thú y cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên cả nước chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo, thậm chí có những địa phương chỉ đạt 20%. Nguy cơ bùng phát bệnh dại ở những tỉnh không phải là trọng điểm rất lớn, thậm chí có thể lan sang vùng lân cận.

Thêm nữa, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật - chủ yếu là chó, mèo sang người qua vết cắn, vết liếm trên da làm niêm mạc bị tổn thương. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao, do vậy khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt.

Khi vào cơ thể, vi rút dại sẽ di chuyển dọc theo dây thần kinh tới tủy sống rồi tới não bộ, do đó vết cắn càng gần não thì thời gian phát bệnh càng nhanh. Vết thương nặng, càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Cụ thể hơn, nếu bị cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi và bộ phận sinh dục sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách vi rút xâm nhập vào mô thần kinh ngắn. Do đó, bệnh càng nguy cấp hơn”, TS Hương cho biết thêm.

Tuy nhiên, tâm lý ngại đi tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào vẫn diễn ra. Nhiều người sợ rằng, tiêm vaccine phòng dại sẽ gây liệt, trẻ em chậm phát triển…Nhiều nơi lại truyền nhau có ông lang, bà mế chữa được bệnh dại nên không cần tiêm phòng…Tất cả những quan niệm sai lầm này đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương.

TS Thanh Hương chia sẻ, chị đã chứng kiếm nhiều trường hợp bà mẹ mang thai tử vong vì bệnh dại do không đi tiêm vaccine, nhiều đứa trẻ chưa học xong cấp 1 cũng đã phải rời xa cuộc sống do bố mẹ chủ quan…tất cả những trường hợp đó để lại những đau thương tiếc nuối cho cả gia đình và xã hội.

Từ năm 2007 vaccine phòng bệnh dại cũ đã ngừng sản xuất tại nước ta và được thay thế bằng vaccine thế hệ mới nhập khẩu hoàn toàn từ Pháp và Ấn Độ. Điều đặc biệt, vaccine này an toàn cho mọi đối tượng với hiệu quả phòng dại cao gấp 10 lần so với vaccine cũ. Không chỉ những người bị chó cắn, mèo cào mà những người bình thường cũng có thể tiêm dự phòng.

Mỗi người dân hãy chủ động phòng chống bệnh dại

Đối với người dân, nếu bạn là chủ vật nuôi (chó, mèo) hãy có trách nhiệm tiêm phòng cho chúng. Trong trường hợp, nếu bị chó mèo cắn thì phải rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng. Sau đó, sử dụng cồn 70 độ để khử trùng, sát khuẩn. Nên rửa vết thương dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút để sát trùng vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc những điểm tiêm vaccine gần nhất để tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Ở Việt Nam, mỗi 1 năm có gần 600.000 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vaccine phòng dại, với chi phí gần 1.000 tỷ đồng. Đây là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản và ít tốn kém. Điều quan trọng vẫn là nhận thức đúng của mỗi người dân và toàn xã hội về căn bệnh gây ám ảnh này.