Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 20 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm âm (Endobronchial Ultrasound - EBUS).

Bà Đinh Thị Mừng, 69 tuổi ở huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng là 1 trong số đó. Bà cho biết, tháng trước bà bị đau cổ vai gáy, đau lan xuống 2 cánh tay, không ho và cũng không khó thở. Đến khám tại Bệnh viện TW Quân đội 108, bà được chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết. Trên hình ảnh chụp phim cắt lớp vi tính, bà được phát hiện có nốt mờ nhỏ ở phổi trái và nhiều hạch to bất thường ở trung thất. Vấn đề được đặt ra đối với bà lúc này chẩn đoán xác định bệnh.
Để xác định chính xác nốt tổn thương ở phổi trái và các hạch trung thất có phải ung thư hay không, trước đây bà Mừng sẽ phải phẫu thuật nội soi trung thất để bác sĩ lấy bệnh phẩm từ hạch, hoặc sinh thiết nốt phổi dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính. Tuy nhiên, nốt ở phối trái của bà kích thước bé, do đó các bác sĩ đã quyết định lựa chọn kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm để lấy bệnh phẩm từ hạch trung thất, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định bệnh mà không cần phẫu thuật.
"Phương pháp nội soi mới này rất tốt, tôi đã được bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh từ bệnh phẩm lấy ở hạch trung thất và được điều trị ngay" - bà Mừng cho biết.
TS.BS Phạm Văn Luận – Khoa Nội Hô hấp, BV TW Quân đội 108 cho biết, phương pháp nội soi phế quản siêu âm giúp bác sĩ vừa quan sát, xác định chính xác tổn thương ngoại vi và vừa lấy bệnh phẩm. Đặc biệt nữa, ưu điểm nổi trội của kỹ thuật này là giúp bác sĩ có thể dễ dàng tiếp cận các khối u ở tổn thương ngoại vi hoặc các hạch rốn phổi, trung thất hay các khối u cạnh khí quản, phế quản, nơi mà phương pháp nội soi thông thường khó tiếp cận được.
"Nếu chúng ta sử dụng nội soi phế quản ống mềm thì những tổn thương ngoại vi sẽ rất khó để tiếp cận. Nếu như sinh thiết mù, chúng ta không nhìn thấy trực tiếp tổn thương thì hiệu quả rất thấp. Phương pháp nội soi phế quản siêu âm giúp bác sĩ vừa quan sát và xác định chính xác tổn thương vừa tiến hành lấy bệnh phẩm, đảm bảo an toàn và hiệu quả, giảm được các biến chứng cho người bệnh" - theo TS.BS Phạm Văn Luận.
Biến chứng có thể gặp khi nội soi phế quản siêu âm với u phổi ngoại vi là chảy máu, tuy nhiên thường là chảy máu ít và so với biến chứng tràn khí màng phổi hoặc chảy máu khoang màng phổi – có thể gặp khi thực hiện sinh thiết u phổi ngoại vi xuyên thành ngực dưới sự hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính thì kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm được đánh giá là an toàn, hiệu quả hơn rất nhiều.
Cũng theo TS.BS Phạm Văn Luận, nội soi phế quản siêu âm có 2 loại đầu dò là đầu dò xuyên tâm dùng để lấy bệnh phẩm từ các tổn thương là các nốt, khối u ngoại vi và đầu dò lồi được chỉ định để lấy bệnh phẩm từ hạch rốn phổi, hạch trung thất hoặc khối u cạnh phế quản. Trước khi được thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng để đánh giá về các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến quá trình nội soi hoặc sinh thiết, như bệnh nhân có vấn đề về tim mạch, có biểu hiện khó thở hay có đang sử dụng thuốc chống đông hay không...
Qua thực tế triển khai tại Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, TS.BS Phạm Văn Luận đánh giá, phương pháp nội soi phế quản siêu âm đã giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý đường hô hấp một cách chính xác, từ đó có hướng điều trị kịp thời và đầy đủ. "Trước đây khi chưa có nội soi phế quản siêu âm thì chúng ta đánh giá bản chất của các hạch ở rốn phổi trung thất dựa trên các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Ví dụ theo tiêu chuẩn dựa trên kích thước trục ngắn của hạch trên phim cắt lớp vi tính, tức là chẩn đoán mới dừng lại ở lâm sàng. Từ khi có nội soi phế quản siêu âm, bác sĩ có thể lấy được bệnh phẩm từ các hạch đó và có câu trả lời chính xác hạch đó có phải do ung thư di căn hay không. Vấn đề quan trọng là nó liên quan đến việc làm thay đổi giai đoạn bệnh của bệnh nhân và khi thay đổi giai đoạn bệnh chúng ta sẽ có cách tiếp cận điều trị tương ứng, mang lợi ích cho người bệnh".
Dự kiến trong tháng 3 này, Khoa Hô hấp - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ đưa kỹ thuật siêu âm nội soi phế quản vào sử dụng thường quy để phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây: