Anh Nguyễn Văn Can và chị Nguyễn Thị Thúy quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2009, anh bị tai nạn lao động khiến cột sống bị chấn thương, liệt tủy, cả quãng đời còn lại phải gắn bó với xe lăn. Anh gặp chị Thúy – cũng là một cô gái bị teo cơ tay và chân trái, di chứng của căn bệnh viêm màng não khi cả 2 cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ dành cho những người khuyết tật. Cuối năm 2017 hai người nên duyên vợ chồng.
Chẳng dám nghĩ nhiều về tương lai, anh chị từng chỉ mong 2 vợ chồng cứ như thế mà nương tựa vào nhau. Ước mơ có một đứa trẻ trong nhà đã từng là điều quá xa vời…
5 tháng sau hôn nhân, tình cờ anh chị được một người bạn giới thiệu đến Bệnh viện Nam Học và hiếm muộn Việt Bỉ. Tại đây, anh Can được thực hiện kỹ thuật Micro-TESE để tìm tinh trùng trữ đông. “Kỹ thuật giúp lấy tinh trùng từ đường ống dẫn tinh rất nhỏ, chỉ bằng đầu sợi tóc, catte đi học theo đường ống dẫn tinh và hút dịch ra lấy tinh trùng làm hỗ trợ sinh sản..." - BS Hà Ngọc Mạnh, người trực tiếp điều trị cho anh Can chia sẻ.
Khoảng nửa năm sau đó, anh Can mới đưa vợ đi kích trứng để trữ trứng. Và cũng phải chờ tới hai năm sau, khi dành dụm thêm được ít tiền, chị Thúy mới quyết định đến bệnh viện để chuyển phôi.
Ngày chị đi, anh Can ở nhà hồi hộp chờ đợi. “Lúc vợ gọi điện về thông báo tin vui em đã hét lên vì sung sướng, cứ đi ra đi vào, cười một mình…” – anh Can nhớ lại. Sau gần 9 tháng mang thai, ngày 28/6/2020, chị Thúy đã sinh non hai bé Thiên An và Thiên Ý.
Với những người không may bị khiếm khuyết như anh chị, bé Thiên An và Thiên Ý ra đời là một phép màu, bù đắp cho sự thiệt thòi của số phận.
"Từ khi có con 2 vợ chồng em vui lắm. Những lúc con đi học, chồng đi bán tăm, em ở nhà chỉ trông đến giờ đi đón con thôi. Cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng cả 2 vợ chồng đều vui vì trong nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng con cười đùa..." - chị Nguyễn Thị Thúy cho biết.
Trong chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Việt-Bỉ đã nhiều lần viết lên câu chuyện cổ tích trên hành trình tìm con cho không ít cặp vợ chồng hiếm muộn và vợ chồng anh Can chị Thúy chỉ là một trong số đó.
Từ những viên gạch đầu tiên, những học trò, cộng sự của TS.BS Lê Vương Văn Vệ - người sáng lập bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn đầu tiên ở VN, đã từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn, chẩn đoán và sàng lọc di truyền làm tổ PGS/Array…
Nhờ đó có nhiều trường hợp bị vô sinh hiếm muộn lâu năm, nhiều nam giới không có tinh trùng hoặc tinh trùng bất động, trường hợp nữ giới có tử cung dị dạng, buồng trứng đa nang, suy buồng trứng…đã được điều trị hiếm muộn thành công.
Thành công ấy đã và đang tiếp thêm động lực cho bao gia đình trong hành trình đi “tìm con” của chính mình.
Với những thành tựu đã đạt được, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Việt Bỉ đã vinh dự đón nhận danh hiệu Top 10 thương hiệu tiêu biểu Châu Á-Thái Bình Dương 2022 và Top 10 Thương hiệu vàng ASEAN do Viện nghiên cứu khoa học, kỹ thuật Châu Á-Thái Bình Dương, Viện khảo sát đánh giá chỉ số cạnh tranh, Trung tâm Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu phối hợp tổ chức tại Singapore. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đi đầu trong sáng tạo, cải tiến chất lượng tạo ra sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước, khu vực ASEAN và thế giới.