Đó là nhận định của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cuộc họp báo tại Thụy Sĩ mới đây.

Soumya Swaminathan - Nhà khoa học hàng đầu của WHO khẳng định sẽ "không khôn ngoan" khi cho rằng Omicron là biến thể chỉ gây triệu chứng nhẹ. Theo ông Soumya Swaminathan, biến chủng này có thể né tránh một số phản ứng miễn dịch, vì vậy, chương trình tiêm vaccine tăng cường ở các quốc gia cần tập trung vào nhóm người có hệ miễn dịch yếu. “Mọi hệ thống y tế sẽ quá tải nếu số ca nhiễm và nhập viện vì Covid-19 tiếp tục tăng như hiện nay” - ông Soumya Swaminathan cảnh báo.

Dù số ca tử vong liên quan Omicron còn thấp và một số nghiên cứu sơ bộ nhận định biến chủng này có thể không nghiêm trọng hơn song nhiều chuyên gia y tế vẫn nhiều lần cảnh báo số ca nhiễm tăng vọt có thể làm tăng số ca tử vong và gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Về độc lực của biến chủng này, một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc khoa y của Đại học Hongkong được công bố tuần trước cho biết, biến chủng Omicron nhân bản trong đường hô hấp của con người nhanh hơn 70 lần so với chủng Delta, song dường như ít gây tổn thương phổi hơn so với chủng ban đầu.

Ngày 17/12, Giáo sư Neil Ferguson - Cố vấn y tế của chính phủ Anh cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia ở London công bố báo cáo cho rằng, không có bằng chứng cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta.

Các chuyên gia ước tính, nguy cơ người khỏi Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron cao hơn 5,4 lần so với Delta. Ferguson cho biết nghiên cứu của ông và các cộng sự "cung cấp thêm bằng chứng về mức độ Omicron né miễn dịch ở người đã tiêm vaccine hoặc từng nhiễm SARS-CoV-2", cảnh báo Omicron có thể sớm gây ra mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng.