Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số tại một quốc gia. Tại nước ta, nhờ thành công của chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, chúng ta đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì cho đến hiện nay. Tuy nhiên, hiện các nhà hoạch định chính sách đang lo ngại mức sinh giảm quá thấp và đặt ra vấn đề cần có chính sách khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con đồng thời bãi bỏ 1 số quy định liên quan đến số con trong gia đình tại một số khu vực.

Trao đổi với phóng viên VOV2, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng phải có giải pháp để "kích sinh" ngay từ bây giờ, nhất là tại các tỉnh Đông Nam Bộ.

PV: Hiện các nhà hoạch định chính sách đang lo ngại tình trạng mức sinh thấp, già hóa dân số và đưa ra biện pháp khuyến khích sinh nhưng thực tế ở nước nước ta tại các đô thị đang quá tải về dân cư. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Việt Nam đã đạt mức sinh thấp. Mỗi cặp vợ chồng đã đạt 2 con từ năm 2016 và chúng ta duy trì mức sinh đó tới nay đã được 17 -18 năm. Hiện vẫn có những vùng mức sinh cao như Tây Bắc, Tây nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung, nhưng có những vùng mức sinh lại giảm rất sâu, dưới mức thay thế, ví dụ toàn bộ vùng nam bộ đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt có những tỉnh mức sinh giảm rất sâu như TP. HCM mức sinh trung bình mỗi cặp vợ chồng chỉ 1,3 con, Bình Dương 1,5-1,6.

Nhưng tại các đô thị vẫn đông vì sao? Theo tôi là vì có sự di cư từ nơi có mức sinh cao đến nơi có mức sinh thấp, tức là về đô thị. Nhưng nếu mức sinh thấp lan rộng khi tất cả mọi tỉnh mức sinh đều thấp, chẳng hạn 1,5 – 1,6 con thì sẽ gây ra nhiều hậu quả.

PV: Cụ thể, đó là những hậu quả như thế nào, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Thứ nhất, với các gia đình sẽ tạo nên hội chứng 4-2-1. Tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và chỉ có 1 đứa con. Khi con còn nhỏ được 6 người chăm sóc (4 ông bà và 2 bố mẹ) có thể sẽ gây nên tính ích kỷ, dựa dẫm và không có khả năng làm việc. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên thì ngược lại, đứa trẻ đó lại phải chăm sóc 4 ông bà già và 2 bố mẹ già – đây là một gánh nặng rất lớn.

Đó là chưa kể, trong cuộc sống còn có rất nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, tai nạn gia đình, con cái sa vào tệ nạn xã hội... lúc đó sẽ như thế nào. Thực tế trên thế giới hiện nay có hàng triệu gia đình mất con mà không kịp sinh nở do không còn khả năng sinh nở và bố mẹ già không có nơi nương tựa lúc tuổi già.

Hơn nữa xã hội càng hiện đại thì tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng càng tăng. Vì vậy, 1 con sẽ xảy ra tình trạng 1 người được nuôi và có thể xảy ra tình trạng có người độc thân suốt đời. Đó là hệ lụy của gia đình.

Còn với cộng đồng, hiện nay mỗi xã phường có 1 trường tiểu học, 1 trường PTCS cơ sở nhưng khi mức sinh giảm thấp, trẻ em ở độ tuổi đi học ít đi, khi đó 2 địa phương mới có 1 trường..., trong khi xã phường nào cũng muốn có 1 trường đặt ở địa phương mình để con cái đi học được thuận lợi, như thế sẽ xảy ra mâu thuẫn. Thực tế nước ta cũng đã có tình trạng này. Hoặc nhiều công trình trước phục vụ 100 người thì nay phục vụ 50 người thì cũng gây ra lãng phí.

Với xã hội, nếu các gia đình chỉ có 1 con sẽ thúc đẩy nhanh quá trình già hóa dân số. Nhiều nước đi trước chúng ta hiện nay tỷ lệ người cao tuổi gấp 3 lần việt Nam (36%, hiện VN là 12%). Nếu tỷ lệ người cao tuổi lớn như vậy sẽ gây hệ lụy rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, sự hòa thuận trong xã hội. Bởi người cao tuổi không đi làm việc lại bỏ phiếu quyết định các chính sách xã hội thì đôi khi mâu thuẫn với thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ trở thành thiểu số không có tiếng nói trong phát triển kinh tế xã hội nên mâu thuẫn.

Như vậy, mức sinh thấp tác động lâu dài tới từng cá nhân, gia đình, xã hội.

PV: Theo ông, các giải pháp chúng ta đang thực hiện đã thực sự hiệu quả?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Nhận thức về mức sinh thấp ở VN mới chỉ bắt đầu tại Nghị quyết 21 TƯ 6 khóa 12 của BCH TƯ đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó đề ra duy trì mức sinh thay thế tức là mức sinh bình quân 2 con cho 1 cặp vợ chồng.

Có thể nói, các giải pháp đưa ra còn ít và chưa được mạnh mẽ bằng các nước có mức sinh thấp từ rất lâu.

PV: Vậy giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay là gì?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Tôi cho rằng, đầu tiên cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để thay đổi tư duy. Chính sách dân số từ 1956 đến nay đều là giảm sinh. Có thể nói giảm sinh đã ăn sâu vào tư duy của người dân VN, kể cả tầng lớp cán bộ và nhân dân. Vì vậy, theo tôi lúc này chính sách dân số VN cần 1 bước ngoặt, 1 lối rẽ: duy trì mức sinh thay thế 2 con cho 1 phụ nữ.

Tóm lại, muốn đạt mức sinh thay thế tôi cho rằng cần truyền thông thay đổi tư duy, sau đó thay đổi các chính sách chỉ phù hợp với giai đoạn giảm sinh trước đây. Một vấn đề quan trọng nữa là cần loại bỏ tiêu chí sinh 2 con ra khỏi các tiêu chuẩn danh hiệu như chiến sĩ thi đua, gia đình văn hóa, đảng viên 4 tốt...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!