Vài năm trở lại đây trà sữa đã trở thành một trong những loại thức uống được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, điều đáng lo là rất khó kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu trà sữa.
Mới đây nhất, lực lượng chức năng đã thu giữ một lượng lớn nguyên liệu làm trà sữa do chứa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, chỉ số chất bảo quản Natri Benzoat và Kali Sorbat đều vượt ngưỡng hơn 2 lần so với hàm lượng mà cơ sở sản xuất tự công bố.
Trao đổi với PV VOV2, ông Ngô Xuân Dũng - Chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, Natri Benzoat và Kali Sorbat là 2 chất bảo quản được sử dụng thông dụng trong thực phẩm, về cơ bản thì chúng an toàn cho người sử dụng khi dùng với liều < 1000mg/kg. Tuy nhiên, khi sử dụng vượt ngưỡng cho phép sẽ tác động cho sức khỏe.
"Có thể nổi ban, ngứa, sổ mũi ở đường hô hấp, đặc biệt đối với những người bị hen suyễn. Bên cạnh đó, hai hợp chất này khi sử dụng vượt ngưỡng cho phép có thể gây tăng động ở trẻ em. Đặc biệt trong môi trường có hàm lượng Vitamin C cao sẽ giải phóng ra các hợp chất benzen và đây có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư".
Bên cạnh đó, bản thân thành phần các nguyên liệu làm trà sữa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đầu tiên phải kể đến chính là thành phần chân châu có trong mỗi ly trà sữa. Để tăng độ hấp dẫn cho thức uống này nhiều cơ sở đã sử dụng phẩm màu công nghiệp để tăng độ bắt mắt cho những hạt chân châu ăn kèm và người tiêu dùng có nguy cơ nhiễm kim loại nặng khi sử dụng chúng. Gan và thận sẽ là 2 cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề bởi các kim loại nặng và những hóa chất độc hại khi sử dụng sản phẩm này lâu dài.
Xét về góc độ dinh dưỡng, hạt trân châu được làm từ tinh bột, mỗi một viên có lượng calo từ 5-14kcal. Mỗi cốc trà sữa trân châu có khoảng 2 thìa trân châu tương đương với khoảng hơn 100kcal .Cộng với khoảng 50g đường trong trà sữa tương đương với 200kcal thì 1 cốc trà sữa cung cấp khoảng hơn 300kcal. Trong khi đó, nhu cầu dinh dưỡng cả ngày chỉ cần khoảng 2000kcal. Do đó, uống trà sữa rất dễ gây béo phì, đặc biệt là trẻ em.