Khi vừa sinh ra bé đã được xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh máu khó đông di truyền thể nặng. Thêm vào đó từ khi bé 6 tháng tuổi, bố mẹ phát hiện bé không có biểu hiện giật mình khi mẹ vô tình gây tiếng động mạnh, bé hoàn toàn không đáp ứng với âm thanh.

Gia đình đưa bé vào bệnh viện làm các thử nghiêm thính học, phát hiện bé điếc rất nặng không thể nghe được, dùng máy trợ thính cũng không nghe, không nói được gì.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân, Trưởng khoa Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết “Bệnh nhi cần phải phẫu thuật cấy ốc tai sớm vì đây là giai đoạn vàng của phẫu thuật cho những bé điếc câm. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn rất lo lắng về tình trạng máu khó đông làm cho nguy cơ của phẫu thuật tăng lên nhiều lần.”

Để giảm thiểu nguy cơ chảy máu trong và sau mổ, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Huyết học - Bệnh viện Nhi Đồng 1 để chuẩn bị tốt các thuốc đông cầm máu cho bé trong và sau phẫu thuật.

PGS.TS.BS Huyền Trân cho biết, các giải pháp được đặt ra như sự thận trọng và tỉ mỉ nhiều hơn so với phẫu thuật bình thường vì nếu tổn thương mạch máu hoặc màng não sẽ tăng nguy cơ biến chứng nặng như chảy máu không cầm được, nặng nhất là chảy máu nội sọ có thể gây tử vong hoặc thậm chí nếu chảy máu quá nhiều có thể phải ngưng cuộc mổ.

Với sự chuẩn bị chu đáo, ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử AB (Advanced Bionics) tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã thành công, mang lại cho bé cơ hội có thể nghe và nói được như trẻ bình thường.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân, Trưởng khoa khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khuyến nghị, trẻ điếc bẩm sinh nặng cần được can thiệp sớm bằng phẫu thuật cấy ốc tai.

“Nếu trẻ điếc bẩm sinh và điếc trước khi biết nói, thời gian bắt đầu cấy điện ốc tai rất quan trọng, phải cấy điện ốc tai trước 5 tuổi, tốt nhất là cấy từ 2 - 3 tuổi vì đây là giai đoạn trẻ học nói. Nhờ đó giúp trẻ có cơ hội nghe được như trẻ bình thường. Những trường hợp trẻ có các bệnh lý phối hợp cần được hội chẩn và chuẩn bị chu đáo tốt nhất cho cuộc mổ,” PGS.TS.BS Huyền Trân nói.

Theo các chuyên gia, kết quả phẫu thuật cấy ốc tai có thể giúp khoảng 80% - 90% người điếc nghe được. Ở những trường hợp tốt và khá, bệnh nhân có thể giao tiếp qua điện thoại được. Có thể nói phẫu thuật cấy ốc tai đã thay đổi cuộc đời của trẻ, mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống được nghe, nói như trẻ bình thường.

Làm thế nào phát hiện trẻ bị điếc hoặc giảm thính lực?

Để đánh giá sức nghe của trẻ, người ta có thể thực hiện bằng máy đo thính lực hoặc bằng giọng nói. Ở gia đình, do không có máy đo thính lực, nên người lớn có thể dùng giọng nói để phát hiện điếc.

Cách làm như sau: đứng phía sau cách trẻ nghi ngờ bị điếc một cánh tay chếch về một bên; hướng dẫn trẻ dùng tay đè lên nắp tai bên kia; nói thầm nhiều từ, nếu trẻ nghe và nhắc lại đúng, kết luận là tai đang thử nghe bình thường.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong độ tuổi 1 - 3 tuổi, cha mẹ có thể quan sát phản ứng của bé xem có chớp mắt, mở mắt, vặn mình, cử động chân tay trước những tiếng động hay không?