Bé Nguyễn Như Ngọc quê Nam Định, được người nhà tức tốc đưa lên Trung tâm Nhi Khoa – Bệnh viện Bạch Mai sau khi bé xuất hiện triệu chứng khó thở và ho nhiều. “ Cháu từng mắc Covid từ 15 đến 22/2 cũng chỉ sốt nhẹ và sau đấy thì khỏi. Cả nhà đợt đó đều bị nhiễm bệnh hết…Cách đây khoảng 10 ngày thì cháu lại sốt, ho nhiều, khám ở tỉnh sau đó xin lên bệnh viện Bạch Mai”- bố bé Ngọc cho biết.

Bé Ngọc vào viện trong tình trạng ho nhiều, đau tức ngực, khó thở, khò khè… Sau khi được khám và làm các xét nghiệm cần thiết cũng như chụp CT lồng ngực, thấy bên phổi phải của bé có đám tổn thương kính mờ S3 thùy trên và xẹp dạng dải kèm tổn thương kính mờ xung quanh thùy giữa. Ngay lập tức bé đã được các bác sĩ cho nhập viện điều trị. Sau 2 ngày điều trị, thấy con gái đỡ ho và bệnh chuyển biến tích cực, bố bé Ngọc như thở phào. “Mấy hôm nay cháu đỡ hơn rồi, không còn ho nữa thở cũng dễ dàng hơn… ở nhà còn mấy cháu nhỏ nữa, 1 cháu 6 tuổi và 1 cháu 1 tuổi cũng bị Covid-19 đợt trước nên giờ cũng phải theo dõi để không xảy ra hậu Covid như cháu lớn”.

Theo Ths-BS Nguyễn Hữu Hiếu – Trung tâm Nhi khoa- Bệnh viện Bạch Mai, hiện đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, có khoảng 20-40% trẻ em và vị thành niên có biểu hiện hội chứng “hậu Covid-19”. Một nghiên cứu tại Anh ước tính có 12,5% trẻ từ 2-11 tuổi và 14,5% trẻ từ 12-16 tuổi vẫn có các triệu chứng 5 tuần sau khi nhiễm bệnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ lớn, trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ mắc bệnh Covid-19 mức độ nặng, điều trị hồi sức có nguy cơ cao bị “Covid-19 kéo dài”- BS Hiếu dẫn chứng.

Hậu Covid-19 ở trẻ liên quan đến hệ hô hấp khá phổ biến

Ths - BS Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, giống bệnh cảnh Covid-19 cấp tính, hội chứng “hậu Covid-19” có tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông... Trong đó, Covid-19 thường ảnh hưởng đến phổi nhiều nhất, các triệu chứng hô hấp kéo dài khá phổ biến, bao gồm: Ho, đau ngực, khó thở... Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn.

Nguyên nhân cơ bản do Covid-19 là một bệnh đường hô hấp, giai đoạn cấp tính có thể gây tổn thương đáng kể cho phổi và đường hô hấp thông qua sự nhân lên của SARS-CoV-2 bên trong các tế bào nội mô, dẫn đến tổn thương nội mô và gây phản ứng viêm, miễn dịch dữ dội. Sau nhiễm virus cấp tính có thể để lại các bất thường về phổi lâu dài, dẫn đến khó thở mạn tính.

Tình trạng xơ hóa phổi ở một số bệnh nhân khó thở liên tục có thể do các cytokine như interleukin-6, tăng lên trong Covid-19, gây viêm và hình thành xơ phổi. Ho kéo dài 2-3 tuần sau khi khởi phát triệu chứng, cải thiện sau 3 tháng và hiếm khi dai dẳng đến 12 tháng. Viêm mãn tính dẫn đến việc sản xuất liên tục các cytokine tiền viêm và các gốc oxy phản ứng (ROS) được giải phóng vào mô xung quanh và máu.

Các triệu chứng điển hình của hậu Covid-19 đối với hệ hô hấp

Khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng, có thể xuất hiện và kéo dài trên 90 ngày chiếm 43,4% số bệnh nhân.

Ho kéo dài (gần 15%)

Đau ngực

Chức năng hô hấp suy giảm và tiến triển sang tình trạng tổn thương phổi xơ phổi hoặc tổn thương kéo dài.

Viêm phổi: Sau nhiễm Covid-19 phổi bị tấn công, tổn thương, sẽ dẫn đến tình trạng tái viêm. Đây là lý do người bệnh đã khỏi Covid-19 nhưng xuất hiện tình trạng ho kéo dài, ho dai dẳng có thể từ 2-3 tháng. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh viêm phổi phải nhập viện điều trị. Ở trẻ em các dấu hiệu nghĩ tới biểu hiện của viêm phổi: sốt cao, ho nhiều, khó thở (thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái), bỏ ăn bỏ bú/ bú kém, li bì.

Khi nào cần đưa trẻ đến khám và kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19?

Các triệu chứng xuất hiện trong và sau 4 tuần kể từ ngày trẻ có biểu hiện triệu chứng nhiễm Covid-19 đầu tiên và làm test nhanh dương tính:

Triệu chứng thường gặp nhất: mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ,...

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu- Trung tâm Nhi khoa Bạch Mai, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám hậu Covid-19 khi trẻ có bệnh lý nền. Trẻ có bất kỳ triệu chứng nặng nào sau nhiễm Covid-19 hoặc trẻ có các triệu chứng nhẹ kéo dài gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc Covid-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc Covid-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện cần cho trẻ đi khám điều trị sớm:

– Trẻ bị sốt cao liên tục trên 24h.

– Trẻ bị nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.

– Trẻ bị phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân

– Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy.

– Trẻ có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, với mỗi tình trạng cụ thể sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Việc chăm sóc, theo dõi toàn diện bao gồm cả phục hồi chức năng có thể giúp ích cho trẻ. Trẻ hoàn toàn có thể bình phục nếu được thăm khám và chữa trị kịp thời. “Tuy nhiên, các cha mẹ, người chăm sóc không nên tự ý điều trị khi các bé xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19 mà cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám đầy đủ và điều trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra”- bác sĩ Hiếu khuyến cáo.

Ngăn ngừa nhiễm bệnh chính là cách tốt nhất phòng tránh tình trạng hậu Covid-19 ở trẻ. Các cha mẹ nên giúp trẻ thực hiện 5K; Tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Bên cạnh đó, phụ huynh nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống dinh dưỡng, hạn chế dùng điện thoại, tivi...