Sự kiện “Go with you” diễn ra tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng, thuộc Hội Người mù Việt Nam, thu hút đông đảo các bạn học sinh, sinh viên đang học tập tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố tham gia trực tiếp và trực tuyến qua phần mềm zoom.

Phát biểu tại sự kiện, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: “Giáo dục đào tạo luôn là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội từ khi thành lập đến nay. Để hỗ trợ các em sinh viên khiếm thị trong cuộc sống và học tập, Hội đã thành lập mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.

Bên cạnh việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các em để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp, Hội luôn động viên, tạo điều kiện để các em phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo để tổ chức các hoạt động chia sẻ, tương trợ giữa các thành viên trong mạng lưới cũng như đóng góp cho sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập của các em học sinh, sinh viên. Mạng lưới đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thông qua các dự án. Sự kiện Go with you với chủ đề Đồng hành cùng học sinh, sinh viên khiếm thị là hoạt động thường niên của mạng lưới. Mục đích là nhằm chia sẻ những kiến thức, kỹ năng về chính sách, pháp luật, những trải nghiệm, kinh nghiệm quý giá, giải đáp thắc mắc và truyền cảm hứng học tập, làm việc cho học sinh, sinh viên khiếm thị.

Sự kiện “Go with you năm 2023” gồm 2 nội dung chính: Thi diễn thuyết với chủ đề “Tôi tự tin - Tôi toả sáng” dành cho học sinh, sinh viên, cựu sinh viên khiếm thị; Talkshow của các diễn giả.

Riêng phần thi diễn thuyết, vòng sơ khảo đã được khởi động từ tháng 3. Thí sinh tham dự đã gửi bài thuyết trình dưới dạng file âm thanh từ 4 đến 7 phút, gồm các nội dung về kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm của bản thân đến ban tổ chức.

Tại sự kiện diễn ra vào ngày 12/5, 6 thí sinh xuất sắc nhất bước vào vòng thi chung kết. Các phần thi dù khác nhau về nội dung nhưng tất cả đều thể hiện sự nhiệt huyết, sự tự tin trước đám đông, sự năng động của những bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân. Đó cũng là những thông điệp mà mỗi thí sinh muốn gửi đến đông đảo các bạn học sinh, sinh viên có mặt trực tiếp và tham dự trực tuyến qua các điểm cầu cả nước.

Nguyễn Đức Nghị, cựu sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, người giành giải nhất phần thi diễn thuyết, tâm sự “Em rất vui khi được chia sẻ kinh nghiệm sống, những vấp ngã trong quá trình học tập, nhất là khi tham gia các dự án, hoạt động cộng đồng. Em hy vọng những lời chia sẻ ấy sẽ hữu ích với các bạn có cùng cảnh ngộ như mình”.

Phần Talkshow với sự tương tác của 3 diễn giả: Thạc sĩ Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ và phục hồi chức năng cho người mù, bà Nguyễn Thị Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Du học Nhật và Nhật ngữ GotoJapan và Trần Việt Hoàng, sinh viên năm cuối Đại học FullBright Việt Nam cũng đem đến kiến thức, kỹ năng và thông tin bổ ích cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Lương Tuấn Cường, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sự kiện đã mang lại cho em cơ hội được giao lưu, kết nối với các bạn học sinh, sinh viên khiếm thị khắp mọi miền tổ quốc. Em học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bài học từ các diễn giả để áp dụng cho chính mình.