Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Khi đi du lịch, thói quen của nhiều gia đình sẽ gọi liền một lúc nhiều món ăn. Theo GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, ăn bất kỳ thực phẩm nào nhiều một lúc cũng đều không tốt đối với sức khỏe, nhất là hải sản. Hải sản có hàm lượng protein và khoáng cao nên nếu ăn nhiều, bộ máy tiêu hóa không hấp thu được, không chuyển hóa hết sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

“Khi ăn lẫn nhiều loại thực phẩm thì lo ngại nhất là nếu bị dị ứng hay ngộ độc một loại thực phẩm nào đấy thì không thể biết mình bị dị ứng với loại thực phẩm nào. Hiện nay ngoài phong trào ăn gỏi cá sống, mọi người còn ăn cả bạch tuộc, hàu, sò sống thì mối nguy hiểm nhiều nhất chính là ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn mà độc tố của vi khuẩn rất kinh khủng gây ngộ độc thực phẩm, thứ hai là ký sinh trùng, sán cũng đáng lo ngại gây bệnh sán lá gan rồi sán đi vào các bộ phận trong cơ thể và thứ ba là dị ứng với protein trong các con nhuyễn thể đó” – GS.TS Lê Thị Hương cho biết.

Nhiều người thắc mắc vì sao người Nhật hay ăn gỏi, nhất là gỏi cá sống có sao đâu. Về điều này, GS.TS Lê Thị Hương giải thích: “Ở nước Nhật, họ kiểm soát được môi trường nuôi hải sản còn ở môi trường biển và sông ngòi của Việt Nam chưa có bằng chứng nào về độ an toàn của nước biển, sông ngòi để nuôi hải sản và có thể ăn sống”.

Nhiều người ham rẻ mà ăn những loại hải sản không còn tươi mới và yên tâm là nấu chín rồi thì không lo bị ngộ độc thực phẩm. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm bởi GS.TS Lê Thị Hương cho rằng, có những loại vi khuẩn tồn tại trong hải sản dù đã được nấu chín, chế biến kỹ thì độc tố của nó vẫn còn và vẫn có thể gây ra bệnh tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Khi đi du lịch ở nơi xa lạ, mọi người sẽ khó tìm được cơ sở y tế để khám và cấp cứu nếu chẳng may bị ngộ độc thực phẩm nên cách tốt nhất, bạn nên phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng cách:

- Chọn hàng quán có uy tín, nhìn sạch sẽ về cảm quan từ dụng cụ nấu nướng, đựng thực phẩm, không gian, cách bày trí.

- Chọn thực phẩm tươi mới, nếu là hải sản thì đang bơi.

- Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn.

- Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, gỏi, rau sống...

- Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.

Sau khi ăn, có những người chỉ 2-3 giờ sau đã có triệu chứng nhưng có người ủ bệnh phải 24 giờ sau mới có triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, khi thấy các triệu chứng như đi ngoài, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, huyết áp tụt, sốt bụng khó chịu thì phải nghi là bị ngộ độc thực phẩm, người nhà nên cho uống orezon và đưa đi khám ngay.