Những vụ tai nạn không mong muốn để lại những vết sẹo, thậm chí khiến các bé mất đi một phần cơ thể và nỗi sợ hãi có khi mang theo suốt đời. Trao đổi với PV VOV2, PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hoa- Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, số trường hợp trẻ gặp phải các tai nạn, chấn thương đến điều trị tại khoa đã tăng so với cùng thời điểm năm ngoái. Các chấn thương nặng ở trẻ, trong đó có chấn thương vùng kín thường được chuyển từ tuyến dưới đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

“Có những cháu bị tai nạn ngã đập (hay còn gọi là ngã mạn thuyền) nghĩa là ngã đập vùng tầng sinh môn xuống vật cứng, điều này sẽ gây tổn thương tinh hoàn, đụng dập tinh hoàn hoặc gây tổn thương niệu đạo. Đụng dập tinh hoàn làm cho bìu sưng rất to. Tổn thương niệu đạo có thể là tổn thương niệu đạo trước hoặc niệu đạo sau. Thường những tổn thương ngã mạn thuyền gây nên tổn thương niệu đạo trước và các cháu sẽ có biểu hiện khó đái hoặc là có chảy máu lỗ sáo. Ngoài ra, chúng ta còn thấy hiện tượng bầm tím rất lớn vùng bìu, vùng tầng sinh môn, vùng dương vật. Khi các cháu bị khó đái hoặc chảy máu lỗ sáo thì đây là những dấu hiệu để đánh giá các cháu có tổn thương tầng sinh môn, niệu đạo trước và vùng bìu ở trẻ nam. Còn ở trẻ nữ thì các cháu cũng có thể bị tổn thương như sưng bầm tím vùng môi lớn, vùng tầng sinh môn, thậm chí là những cú ngã mạnh có thể gây rách âm hộ, vùng âm hộ. Ví dụ như tổn thương màng trinh chẳng hạn”- PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hoa chia sẻ.

Tổn thương vùng kín ở trẻ nhỏ hay gặp là chấn thương do tai nạn giao thông và chấn thương do tai nạn sinh hoạt. Ngoài ra, còn có các trường hợp trẻ bị thương do những vật sắc nhọn đâm vào, làm rách vùng tầng sinh môn và các bộ phận lân cận. Ngoài ra còn có những trường hợp trẻ nhỏ bị chó hoặc lợn cắn gây tổn thương bộ phận sinh dục. Các cháu bé gặp phải tai nạn này thường có độ tuổi từ 3-5 tuổi với hậu quả nặng nề như mất tinh hoàn hoặc toàn bộ dương vật. PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hoa cho hay, những tai nạn nặng và nghiêm trọng thường gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe và tinh thần của các cháu lâu dài.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hoa, các trường hợp bệnh nhi gặp phải các tổn thương vùng kín thường sẽ phải được phẫu thuật nhiều lần và điều trị lâu dài với sự tham gia trực tiếp và cố vấn chuyên môn của chuyên gia nhi khoa, sản khoa…

“Chúng tôi bao giờ cũng phải cố gắng là phục hồi tối đa, gần đây, chúng tôi đã xử lý những tình huống cấp cứu, xử lý sớm. Một số các tổn thương đứt cơ thắt thì chúng tôi sẽ xử lý tổn thương đó luôn. Có những cháu tổn thương rất nặng, trước đó đã được điều trị nhưng chức năng chưa phục hồi được. Do đó, khi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã phẫu thuật lại cho các cháu. Đây là bệnh viện ngoại khoa có rất nhiều các chuyên khoa nên chúng tôi cũng đã cùng nhau phối hợp, cùng sửa chữa cho các cháu. Chúng tôi thấy rằng cần phải điều trị, phục hồi để mang lại một chức năng tương đối bình thường cho các cháu, giúp các cháu được hòa nhập… Đã lâu lắm rồi không có trường hợp nào chúng tôi bó tay hoặc không thể xử lý được” – BS Nguyễn Việt Hoa khẳng định.

Quá trình điều trị rồi hồi phục cho các bệnh nhi tổn thương vùng kín diễn ra rất lâu dài và phức tạp. Có những trường hợp, các bác sĩ tại khoa phải thường xuyên theo sát trong quá trình tái khám sau phẫu thuật.

“Riêng việc chăm sóc để vết thương lành cũng mất cả tháng. Sau khi vết thương lành mới bắt đầu phẫu thuật. Phẫu thuật xong ví dụ như nối niệu đạo chẳng hạn, nếu là người lớn thì có thể ra viện sau 2 tuần còn nếu là trẻ nhỏ, các cháu phải lưu viện theo phác đồ 3 tuần. Chúng tôi luôn mong muốn trẻ nhỏ phải sớm được đi học trở lại, tuy nhiên, có những trường các cháu tổn thương phải điều trị ở rất nhiều nơi và sau đó đến với chúng tôi. Thời gian điều trị dài khiến các cháu phải nghỉ học tới cả năm. Có cháu sau phẫu thuật có thể hồi phục chức năng tiểu tiện được bình thường nhưng sau 3 tháng, chức năng này bị trục trặc và chúng tôi phải xử lý lại cho các cháu. Tôi nghĩ rằng, những tổn thương đó không thể “ngày một, ngày hai” có thể giải quyết xong”- BS Việt Hoa cho hay.

Việc chăm sóc và đồng hành của cha mẹ trong quá trình điều trị cho các bé cũng rất quan trọng. Rất nhiều các trường hợp sau khi phẫu thuật xong còn phải tập phục hồi chức năng trong thời gian dài. Vì thế, cha mẹ của trẻ cần được hướng dẫn để nâng cao nhận thức và kỹ năng giúp con vượt qua biến cố. PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hoa cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bệnh nhi của mình trước đây vượt qua tình cảnh “thập tử nhất sinh” và giờ đã trưởng thành với các chức năng hoàn toàn bình thường.

Tai nạn là điều không ai mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, qua thực tế điều trị, bác sĩ Nguyễn Việt Hoa cho rằng, các trường hợp tai nạn đối với trẻ nhỏ có thể hạn chế nếu cha mẹ, người chăm sóc trẻ sát sao và cẩn thận hơn.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, các bậc cha mẹ cần chú ý an toàn cho các bé khi gia đình có nuôi động vật (chó, mèo, lợn...), tránh để động vật cắn hoặc gây ra các tổn thương vùng kín ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, những tai nạn sinh hoạt rất đơn giản như trèo cây cũng có thể gây nên những tai nạn rất đáng tiếc, do vậy, người lớn cần để mắt và kịp thời nhắc nhở trẻ nhỏ. Khi đi học, các bé rất hiếu động nên cha mẹ cũng cần giáo dục trẻ các kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn, phòng tránh những tai nạn nguy hiểm cho bản thân và bạn bè. Ngoài ra, mỗi cá nhân cần đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt khi trên xe có trẻ nhỏ.

Mời nghe tại đây: