Viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm do virus HBV gây ra và có tốc độ lây lan nhanh chóng. Tại Việt Nam, ước tính có 7,8 triệu người viêm gan B mạn tính. Nhóm tuổi trên 40 tỷ lệ mắc viêm gan B cao hơn.

TS-BS Cao Thị Thanh Thủy- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, không ít người phát hiện bệnh muộn, gây ra những biến chứng nặng nề. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người bệnh viêm gan B có triệu chứng tỷ lệ nghịch với độ tuổi. Có nghĩa là phần lớn người bệnh mắc từ khi sinh hoặc thời kỳ thơ ấu hầu như không có triệu chứng lâm sàng và trên 90% trở thành mạn tính. Những người trưởng thành mới mắc viêm gan B thì có triệu chứng lâm sàng cấp tính và hơn 90% tự khỏi. Những người viêm gan B mạn tính hầu như không có triệu chứng lâm sàng, chỉ đến khi đi khám sức khỏe hoặc bị bệnh khác mới phát hiện viêm gan B. Một số người xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, vàng da vàng mắt là biểu hiện cấp của viêm gan B mạn tính, hoặc có người bệnh đã biết bị viêm gan B nhưng không khám định kỳ hoặc người không biết bị viêm gan B chỉ khi siêu âm thì phát hiện khối u gan hoặc biến chứng xơ gan.

Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu và quan hệ tình dục không an toàn. Tại Viêt Nam, gần như các trường hợp mắc viêm gan B mạn tính là do lây truyền từ mẹ sang con (lây truyền dọc) và bị lây nhiễm khi còn nhỏ (lây truyền ngang) do tiếp xúc gần với người nhiễm viêm gan B mạn tính trong gia đình (dùng chung bàn chải, dao cạo râu...) Gánh nặng bệnh tật và phương thức lây truyền chỉ ra rằng, lây truyền dọc chiếm 57% và lây truyền ngang 47%. Khi thực hiện tiêm phòng vaccine tốt thì lây truyền ngang sẽ giảm đi.

Thông thường, để khẳng định người bệnh có bị viêm gan B hay không cần dựa trên những xét nghiệm: HBsAg là kháng nguyên virus viêm gan B; Nếu HBsAg (+) được coi là viêm gan B. Một số ít HBsAg (-) nhưng có thể là viêm gan B tiềm ẩn. Ngoài ra, có thể thực hiện xét nghiệm Anti-HBc total (+) hoặc xét nghiệm tải lượng HBV DNA (tức là có vi rút trong máu).

BS Cao Thị Thanh Thủy cho biết, hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn viêm gan B. Tuy nhiên, các thuốc điều trị kháng virus viêm gan B dạng uống hoặc thuốc tiêm Peg IFN (ít dùng) đều có thể ngăn chặn tiến triển, biến chứng thành ung thư gan và xơ gan.

Trong quá trình điều trị, các bệnh nhân viêm gan B cần tái khám định kỳ, tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, không nên bỏ dở quá trình điều trị. Đặc biệt, bệnh nhân viêm gan B cần bỏ hoặc hạn chế đồ uống có cồn, không tự ý uống các loại thuốc nam, thực phẩm chức năng có hại cho gan. Nếu men gan tăng cao, không được hoạt động gắng sức. Phụ nữ có thai cần được khám tư vấn để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Chương trình tiêm chủng vaccine viêm gan B tại nước ta tiến hành từ năm 1997. Từ năm 2003, tiêm phòng vaccine liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu được bắt đầu triển khai. Các liều tiếp theo được tiêm cho trẻ ở tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4 sau sinh.

Trường hợp mẹ nhiễm viêm gan B, con sinh ra cần được tiêm vaccine như tất cả các trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm HBV. Ngoài ra, còn phải tiêm thêm huyết thanh kháng viêm gan B ngay trong 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp mẹ có tải lượng virus viêm gan B cao sẽ phải điều trị thuốc kháng virus từ tuần thứ 24-28 của thai kỳ để phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con. Do các bà mẹ có virus cao thì tiêm vaccine và huyết thanh cho con có thể vẫn không dự phòng được lây nhiễm cho con.

Hiện nay, nước ta đã ban hành kế hoạch hành động loại trừ lây truyền HBV, HIV và giang mai từ mẹ sang con đến năm 2030, trong đó có bệnh viêm gan B.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV được xét nghiệm HBsAg và Anti-Hbs từ 12 tháng tuổi (tốt nhất từ 7-12 tháng tuổi) để xác định trẻ có viêm gan B hay không. Trẻ bị viêm gan B sẽ được theo dõi định kỳ, trẻ từ 2 tuổi sẽ được điều trị viêm gan B nếu có chỉ định.

Với nhóm trẻ lớn hoặc người trưởng thành, việc tiêm phòng viêm gan B mang lại kết quả tốt. Đặc biệt, những nhóm đối tượng sống trong gia đình có người bị viêm gan B, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ.

Ngoài ra, nhân viên y tế có nguy cơ cao nhiễm HBV qua phơi nhiễm nghề nghiệp, qua vết thương đâm xuyên thì bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin.

Cần xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs và chỉ tiêm phòng vắc xin cho người có HbsAg (-) và Anti-Hbs (-) hoặc Anti-HBs dưới 10. Tiêm đủ 4 mũi theo quy định.

TS-BS Cao Thị Thanh Thủy - Bệnh viện ĐH Y Hà Nội khuyến cáo, đối với người chưa mắc viêm gan B nên thực hiện lối sống lành mạnh, không sử dụng ma túy, quan hệ tình dục an toàn, không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người viêm gan B để phòng lây bệnh.

Người đã mắc viêm gan B phải được khám theo dõi định kỳ, điều trị khi có chỉ định, bỏ hoặc hạn chế đồ uống có cồn, phòng tráng lây nhiễm HBV cho bạn tình, người trong gia đình...

Tất cả các đối tượng đươc phát hiên viêm gan B cần được khám và theo dõi định kỳ tại cơ sở y tế bao gồm cả người chưa phải điều trị cũng như người đang điều trị để lá gan của mình được chăm sóc một cách tốt nhất.