Theo các chuyên gia thần kinh, bệnh rối loạn thần kinh thực vật ngày càng phổ biến trong cộng đồng, gây ra nhiều hệ lụy đối với người bệnh. TS-BS Nguyễn Hồng Quân – Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, rối loạn thần kinh thực vật hay còn gọi là thần kinh tự chủ là sự mất cân bằng giữa hai hệ thống thần kinh thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hai hệ thống này về cơ bản gần như trái ngược nhau nhưng đôi khi có tác dụng hiệp đồng ở phạm vi hẹp.

“Đây là một rối loạn có ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa... Đây là bệnh ngày càng phổ biến, tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới sinh hoạt của người bệnh”- TS-BS Nguyễn Hồng Quân cho hay.

Chính sự rối loạn này đã gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Theo TS-BS Nguyễn Hồng Quân khi bị rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh thường cảm thấy khó vận động, cảm giác thiếu tự chủ thể hiện cụ thể như sau:

Rối loạn cảm giác: Có thể gồm mất cảm giác, cảm giác bất thường, hay đau, tê… Các triệu chứng dị cảm gồm ngứa râm ran, đau nhói, cảm giác “tê như kim chích” hay nóng bỏng. Loạn cảm là cảm giác bất thường không dễ chịu, có thể xảy ra tự phát hay gây ra do một kích thích và thường không đau.

Các thiếu sót vận động: Suy giảm vận động xảy ra với tổn thương dây thần kinh ngoại biên bao gồm sự yếu của các cơ được dây thần kinh chi phối. Tổn thương dây thần kinh nặng kéo dài nhiều tháng sẽ làm teo cơ. Các bệnh nhân có thể tiến triển dáng đi gọi là dáng đi chân rủ, đặc trưng do gập đầu gối và hông thái quá khi đi để ngăn không cho các ngón chân va vào mặt đất do gập lưng bàn chân bị yếu.

Phản xạ gân xương: Mất các phản xạ gân xương điển hình xảy ra trước khi bắt đầu yếu cơ vận động. Mất các phản xạ gân xương thường giúp phân biệt các bệnh thần kinh ngoại biên và các tổn thương đường tháp trung ương, các rối loạn phức hợp thần kinh cơ và các bệnh cơ.

Rối loạn chức năng thần kinh thực vật: Các triệu chứng của rối loạn thực vật gồm hạ huyết áp tư thế và ngất. Các bệnh nhân có rối loạn chức năng thần kinh thực vật có thể bị tụt huyết áp tư thế đứng, không có tăng hay tăng không thích đáng nhịp tim. Bệnh nhân mất dung nạp sức nóng do rối loạn tiết mồ hôi. Các đầu chi có thể lạnh. Hay gặp các rối loạn chức năng bàng quang, ruột; liệt cương dương ở nam giới...

Bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị rối loạn thần kinh thực vật sau khi kết thúc chẩn đoán về bệnh. Có thể điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa tùy từng trường hợp.

Các danh mục thuốc dự kiến dùng trong điều trị bệnh bằng nội khoa thường là thuốc chống loạn thần, thuốc giảm đau, thuốc điều chỉnh nhu động ruột, thuốc làm giảm tiết mồ hôi, thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc điều chỉnh lại các rối loạn tiểu tiện, thuốc điều trị các rối loạn cương dương (đối với nam giới), thuốc nội tiết (dành cho nữ giới).

Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng thêm các loại vitamin nhóm B giúp làm giảm các triệu chứng.

Điều trị bệnh bằng ngoại khoa thường được áp dụng với các bệnh nhân bị tăng tiết hồ hôi nhiều. Bệnh nhân được kết hợp điều trị với phương pháp vật lý trị liệu. Đó là: xông hơi, bấm huyệt, xoa bóp, tắm nóng, lạnh,…

Ngoài ra, phương án đốt hoặc cắt hạch giao cảm cũng là một trong số cách trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa sẽ không ưu tiên phương án này bởi chúng có ảnh hưởng đến cơ thể sau đó.

TS-BS Nguyễn Hồng Quân cũng cho biết, bệnh rối loạn thần kinh thực vật có thể phòng ngừa bằng cách ngoài việc dùng các loại thuốc đặc trị như sinh tố B, thuốc canxi, thuốc an thần, người bệnh có thể kết hợp cách chữa Đông y như châm cứu, liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh. Uống thuốc chống suy nhược cơ thể, thuốc hạ huyết áp cũng có tác dụng trong khâu điều trị. Về ăn uống, hạn chế thức ăn mặn, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đặc biệt là nên sống vui vẻ, lạc quan, thoải mái, không quá lo nghĩ, đồng thời đừng quên tập thể dục thường xuyên để rèn luyện sức khỏe.