Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm biểu bì của bờ tự do của mi mắt, ảnh hưởng đến mi mắt, với các biểu hiện chảy nước mắt, đỏ mắt, cảm giác có sạn ở bên trong mắt. Mi mắt ngứa, sưng đỏ. Theo TS-BS Hoàng Cương- Bệnh viện Mắt Trung ương, tất cả mọi người ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ bị viêm bờ mi mắt dưới hoặc trên. Một số thống kê cho thấy, người trẻ tuổi có xu hướng bị viêm bờ mi nhiều hơn so với người cao tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ trên 55 tuổi cũng được coi là đối tượng dễ mắc căn bệnh này.

Viêm bờ mi mắt có nhiều nguyên nhân, có thể do cơ địa, nhiễm khuẩn, dị ứng... Trong đó hay gặp nhất là viêm bờ mi mắt do tụ cầu, nấm ... Đối với phụ nữ trên 55 tuổi, viêm mi mắt xảy ra do những thay đổi về nội tiết tố. Các yếu tố gia tăng nguy cơ nếu người bệnh có nhiều gàu, có vấn đề ở tuyến nhờn của mắt hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

Viêm mi mắt là một bệnh không lây. Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm mi mắt, đó là: Viêm đỏ bờ mi, có ít tiết tố, có vẩy, bệnh nhân chỉ cảm thấy vướng nhẹ. Viêm bờ mi rụng vẩy là hiện tượng bờ mi đỏ, đóng nhiều vẩy, tiết tố bám dính bờ mi, bờ mi không loét. Triệu chứng nặng đó là viêm loét bờ mi, bờ tự do của mi bị sưng đỏ, phù sau đó xuất hiện vết loét, nhiều tiết tố và rụng lông mi. Triệu chứng này điều trị khó và dai dẳng hơn.

Viêm mi mắt thường gây khó chịu và cản trở tầm nhìn nhưng không quá nguy hiểm. Mặc dù vậy, nếu không được điều trị hoặc kiểm soát tốt ngay từ đầu, bệnh có nguy cơ gây ra một vài biến chứng nghiêm trọng.

Điều trị bệnh viêm mi mắt khó dứt điểm, bệnh có thể tái phát nhiều lần. Theo TS-BS Hoàng Cương- BV Mắt Trung ương, người bệnh không nên tự ý nhỏ, bôi các loại thuốc theo kinh nghiệm bản thân và theo mách bảo của những người không có chuyên môn. Khi thấy các dấu hiện đỏ mi mắt, ngứa, khó chịu, nên đến khám chuyên khoa mắt để được các bác sĩ tư vấn và điều trị.

Để phòng bệnh, TS- BS Hoàng Cương khuyên nên ăn uống đủ chất, tránh đồ uống có cồn, chất kích thích, khói thuốc, ánh nắng... Bổ sung các loại vitamin A, dầu cá chứa Omega 3-6-9 cũng giúp giảm nguy cơ viêm mi mắt. Đặc biệt, việc lau rửa mi mắt sạch sẽ sau khi ngủ dậy bằng nước muối sinh lý hoặc nước trà xanh đun sôi để nguội có thể giúp loại bỏ các chất bẩn gây bệnh.