Khi nào hiện tượng phù trở nên bất thường?

Mang thai đến tuần thứ 20, chân chị Nguyễn Thị Liên ở Sơn Tây, Hà Nội, đoạn từ mắt cá chân đến bàn chân bắt đầu có dấu hiệu bị phù, chị đi bộ một lúc đã thấy mỏi. Đi khám bác sĩ chẩn đoán chị bị tăng huyết áp.

Vậy là trong suốt quá trình mang thai, chị Liên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, dùng thuốc kiểm soát huyết áp, uống thuốc dự phòng và theo dõi thai nhi định kỳ. Đến tuần thứ 37 em bé sinh ra khỏe mạnh. Được ôm con trong vòng tay và nghe tiếng con khóc, mọi lo lắng trước đây của chị thực sự được trút bỏ.Khi đi khám phụ sản thấy bác sĩ bảo huyết áp cao quá. Hôm đó huyết áp lên 200mmgH, bác sĩ bảo mang thai nguy hiểm. Nguy cơ có thể mẹ sẽ dễ bị đột quỵ và lên cơn co giật, uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến em bé. Tôi dùng thuốc và đo huyết áp hằng ngày, huyết áp tăng lại điều chỉnh thuốc. Giữ được 37 tuần thì sinh. May quá em bé sinh ra khỏe mạnh, chỉ nhỏ chút thôi”. Chị Liên kể.

Theo TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phù là hiện tượng dễ gặp ở phụ nữ mang thai. Có khoảng 50% phụ nữ bị phù trong quá trình mang thai, đặc biệt càng gần đến ngày sinh thì phù càng nhiều hơn do tình trạng quá tải của tuần hoàn. Đó là hiện tượng phù sinh lý bình thường, các mẹ chỉ cần ăn nhạt, tập thể dục đều đặn, đi ngủ gác chân cao… sẽ ngăn chặn tình trạng phù nặng nề hơn. “Nếu phù mà huyết áp trong giới hạn bình thường thì các mẹ không lo, đó chỉ là câu chuyện tuần hoàn của các thai phụ đang bị hơi quá tải vì khi mang thai, tổng lượng máu của cả hai mẹ con tăng lên, đang từ 4,5 lít lên tầm 5-6 lít trong cơ thể, tức là tăng lên hơn 1 lít máu trong cơ thể dẫn đến cơ thể quá tải, ứ đọng tuần hoàn ở dưới chân” - BS Phan Chí Thành cho biết.

Tuy nhiên, dấu hiệu phù sẽ trở nên bất thường và nguy hiểm trong những trường hợp sau:

- Phù đi kèm với huyết áp tăng, đi tiểu ra đạm. Đây là dấu hiệu nguy hiểm dễ gây ra tình trạng tiền sản giật, nguy cơ cao gây ra tử vong mẹ, ngừng tim thai.

- Phù có thể gặp ở phụ nữ suy tim. Bình thường, tim đã bị suy, đến khi mang thai, tuần hoàn máu lưu thông kém nguy cơ gây ra suy tim cao hơn nhiều.

- Phụ nữ bị suy gan, suy thận cũng có nguy cơ bị phù trong quá trình mang thai…

- Tình trạng phù có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai bị suy dinh dưỡng, có thói quen ăn chay trường.

Dự phòng hiện tượng phù có thể xảy ra

Các mẹ nên đo huyết áp thường xuyên, hoặc có thể mua máy đo huyết áp về nhà tự đo. Nếu huyết áp ở mức 140mmgH trở lên cần đi khám bác sĩ ngay.

TS.BS Phan Chí Thành khuyến cáo: Đối với nguy cơ tiền sản giật, khi có hiện tượng phù có nghĩa là đã muộn, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, các mẹ nên dự phòng trước khi có hiện tượng phù. “Phụ nữ mang thai thai bị phù, đầu tiên phải làm xét nghiệm đánh giá nguy cơ tiền sản giật. Tình trạng bệnh có thể xảy ra ở quý 2 và quý 3 của thai kỳ. Khi phát hiện ra thì việc điều trị kém hiệu quả, dường như các bác sĩ chỉ chạy theo thôi, chứ không chữa được tiền sản giật. Nếu tiền sản giật xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, diễn biến bệnh càng nguy hiểm phức tạp và nguy cơ đe dọa cả mẹ và con càng cao. Như chúng tôi có một bệnh nhân phát hiện ra tăng huyết áp ở tuần 22 thì đến tuần 26, huyết áp đã tăng 260mmgH, sau đó phải đình chỉ thai, phải hy sinh con để giữ tính mạng cho mẹ. Vì vậy, cần phát hiện sớm huyết áp tăng và cố gắng kiểm soát tốt.

Ngày nay có cả chuyên ngành dự phòng tiền sản giật, có nghĩa là điều trị tiền sản giật từ khi chưa có triệu chứng, chưa bị cao huyết áp. Các bác sĩ sẽ dựa trên cơ sở tiền sử gia đình, bệnh lý của mẹ, huyết áp nền của mẹ, siêu âm cho con và làm xét nghiệm máu, từ đó suy ra nguy cơ tiền sản giật của mẹ là cao hay thấp. Nếu nguy cơ thấp thì khám thai định kỳ, nguy cơ tiền sản giật cao trên xét nghiệm thì ngay lập tức chúng tôi phải đưa mẹ vào nhóm thai nghén nguy cơ cao tiền sản giật. Trong đó dự phòng bằng cách: Điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục và dùng thuốc dự phòng”, TS.BS Phan Chí Thành khuyến cáo.

Việc khám sức khỏe trước khi mang thai, chuẩn bị sức khỏe tốt, tập thể dục và chế độ dinh dưỡng hợp lý có ý nghĩa quan trọng. Nếu mẹ có bệnh lý nền như suy tim, suy gan, suy thận thì nên điều trị bệnh ổn định mới mang thai. Thai nhi chỉ có thể khỏe mạnh khi sức khỏe của mẹ tốt.