Hậu quả của tình trạng kháng kháng sinh

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là một trong 10 nguyên nhân gây tổn thương và tử vong hàng đầu trên thế giới. 12% trong tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn, tỷ lệ này tăng lên 38% ở những người bệnh từ 75 tuổi trở lên.

Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng trên thế giới cho biết, có hơn 1.200.000 ca tử vong do nguyên nhân kháng thuốc và gần 5 triệu ca tử vong liên quan đến vi khuẩn kháng thuốc.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Tình trạng này diễn ra phổ biến khiến công tác điều trị cho các ca bệnh, nhất là ca bệnh nặng trở nên khó khăn hơn. Chi phí điều trị cũng tốn kém hơn.

“Ở những bệnh nhân nặng sẽ thấy nổi cộm lên vấn đề vi khuẩn kháng thuốc. Nhiều khi bệnh nhân vào viện vì bệnh khác thậm, các bác sĩ đã cố gắng hết sức, tận dụng nhiều phương tiện để cứu chữa nhưng tình trạng bệnh vẫn nặng lên, thậm chí bệnh nhân bị tử vong do tồn tại những con vi khuẩn đa kháng, thậm chí là toàn kháng và không còn loại thuốc kháng sinh nào có hiệu quả điều trị với con vi khuẩn đó nữa” - PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - nguyên Trưởng bộ môn Dược lâm sàng, trường Đại học Dược Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Dược bệnh viện Hà Nội cho biết.

Tồn tại vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, đó là hậu quả đáng buồn của việc chưa quản lý được sử dụng kháng sinh ngoài cộng đồng. Còn trong bệnh viện, nhiều nơi chưa thực hiện có hiệu quả chương trình quản lý sử dụng kháng sinh dẫn đến lạm dụng kháng sinh dự trữ, kháng sinh dùng đường tiêm, kháng sinh phổ rộng hoặc dùng kháng sinh không đúng với vi khuẩn gây bệnh. Thời gian, liều dùng kháng sinh chưa phù hợp. Những bất cập đó góp phần gia tăng vi khuẩn kháng thuốc cũng như hiệu quả kiểm soát bệnh nhiễm khuẩn chưa cao.

Nâng cao vai trò của dược sĩ trong quản lý và sử dụng kháng sinh

Để quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, năm 2020, Bộ Y tế đã có quyết định 5631/QĐ-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 về tăng cường năng lực, nâng cao vai trò của dược sĩ lâm sàng cùng bác sĩ tham gia hội chẩn, điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, để quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện thì mỗi cơ sở y tế phải có Ban Quản lý sử dụng kháng sinh mà người đứng đầu phải là lãnh đạo bệnh viện. Thành viên của nhóm ban quản lý kết hợp nhóm đa ngành gồm điều trị, bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm, vi sinh hay nhiễm khuẩn và dược sĩ. Dược sĩ tham gia công việc xây dựng hướng dẫn sử dụng kháng sinh và giám sát tuân thủ hướng dẫn đó trong bệnh viện.

Như vậy, vai trò của người dược sĩ đã được nhìn nhận khác so với trước đây. Trước đây, dược sĩ đóng vai trò trong sản xuất, cấp phát hay bán thuốc nhưng hiện nay trách nhiệm của dược sĩ là phải nối dài đến tận giường bệnh, làm sao thuốc được sử dụng trên người bệnh một cách an toàn, hợp lý nhất có thể và tối ưu hóa chi phí điều trị. Dược sĩ có kiến thức chuyên sâu về thuốc thì cũng tư vấn cho bác sĩ lựa chọn kháng sinh với liều lượng phù hợp đồng thời giám sát những phản ứng bất lợi của kháng sinh, hạn chế những sai sót trong kê đơn.

“Đầu tiên bác sĩ phải chẩn đoán chính xác bệnh lý nhiễm khuẩn, sau đó, bác sĩ vi sinh ở trong cơ sở xét nghiệm xác định vi khuẩn gây bệnh và tính kháng thuốc tại cơ sở điều trị (tính kháng thuốc ở mỗi cơ sở điều trị khác nhau). Rất nhiều đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng đến từ việc thăm khám của bác sĩ, kết quả xét nghiệm sẽ giúp cho dược sĩ tiếp tục đồng hành tham gia vào lựa chọn và tính toán thuốc một cách tối ưu” – PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết mô hình tam giác dược sĩ, bác sĩ và cơ sở xét nghiệm được thực hiện. Hiện nay, một số bệnh viện đã triển khai mô hình này một cách hiệu quả.

Sử dụng kháng sinh hiệu quả không chỉ ở việc thay đổi cách quản lý, thực hiện từ phía bệnh viện mà còn ở phía người dân. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, kháng sinh là thuốc đặc trị cho bệnh lý nhiễm khuẩn. Chính vì vậy kháng sinh là thuốc phải kê đơn và chỉ khi bệnh nhân đi khám thì mới xác định được tính chính xác đó có phải là bệnh lý nhiễm khuẩn hay không. Nhiều khi bệnh và triệu chứng có thể tương tự như nhau nhưng chưa chắc đó đã là bệnh lý nhiễm khuẩn. Nếu không phải là bệnh lý nhiễm khuẩn thì kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Vì vậy, chỉ khi bệnh nhân đi khám mới xác định định được tình trạng nhiễm khuẩn, từ đó mới quyết định dùng kháng sinh phù hợp.

Hiện nay, nếu người dân cứ tự ý dùng kháng sinh không có đơn thì sẽ ảnh hưởng đến chính sức khỏe của người bệnh. Không những bệnh không thuyên giảm mà nhiều người chịu những tác dụng phụ của kháng sinh cũng rất nguy hiểm dẫn đến tiền mất tật mang. Còn xa hơn là gia tăng tính kháng của các vi khuẩn ngoài cộng đồng. Rất đáng buồn là vẫn còn nhiều điểm nóng, điểm đỏ ngoài cộng đồng tự kê đơn và bán thuốc kháng sinh cho khách hàng mà không cần kê đơn của bác sĩ.

Không phải bây giờ mới thấy bất cập này mà từ năm 2017, Bộ Y tế đã có 4041/QĐ-BYT về thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của giai đoạn 2017-2020, trong đó đặt trọng tâm là kháng sinh và ghi rõ mục tiêu của đề án này đến năm 2020, 100% quầy thuốc bán thuốc kê đơn. Tuy nhiên, hiện nay đã là năm 2022 nhưng thực sự chưa đạt được mục tiêu trong đề án này. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh và đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện bác sĩ kê đơn cũng như bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán thuốc, bên cạnh đó kết hợp với thông tin truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng thuốc kháng sinh.

“Hiện nay cần có chính sách đồng bộ, làm như thế nào để hình thành hệ thống phân tầng, có những kháng sinh chỉ phù hợp điều trị cho những bệnh lý ngoài cộng đồng, kháng sinh điều trị bệnh nhẹ trong bệnh viện và có kháng sinh dự trữ điều trị trong những trường hợp nặng, phải đồng bộ như thế thì mới có vũ khí để sử dụng. Còn hiện nay đã rất lâu không có kháng sinh mới và với tốc độ gia tăng kháng thuốc như hiện nay thì đến một ngày nào đó chúng ta phải đầu hàng trước rất nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn khác nhau”- PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương khuyến cáo.