Những thực phẩm có nguy cơ cao bị ô nhiễm bao gồm: thịt cá tươi, rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, gạo ngũ cốc, đậu hạt.

Việc xử lý và bảo quản thực phẩm trong điều kiện mưa bão và ngập lụt vì thế rất quan trọng để ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe do thực phẩm bị nhiễm khuẩn – BS Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh.

Một số quy tắc an toàn trong việc chế biến và sử dụng thực phẩm trong thời gian bão lụt: không sử dụng thực phẩm đã bị ngập nước, đặc biệt là các thực phẩm dễ hỏng như thịt, cá, trứng, sữa. Các sản phẩm đồ hộp bị ngập nước cần được rửa sạch, sát khuẩn trước khi mở. Tuy nhiên, nếu vỏ hộp bị rỉ sét hoặc móp méo, nên vứt bỏ.

Nếu không có điện, hạn chế mở tủ lạnh để duy trì nhiệt độ bảo quản thực phẩm bên trong càng lâu càng tốt. Ưu tiên sử dụng thực phẩm đông lạnh, dễ hỏng trước nếu có nguy cơ mất điện lâu. "Nếu mất điện, hạn chế mở tủ lạnh và tủ đông để duy trì nhiệt độ thấp nhất có thể. Thực phẩm trong ngăn đá có thể an toàn trong 24-48 giờ nếu không mở cửa nhiều. Thời gian giữ nhiệt của ngăn mát thì thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 4-6 giờ. Cố gắng không tích trữ quá nhiều, sắp xếp thực phẩm một cách hợp lý" - BS Nguyễn Hoài Thu cho biết.

Chỉ dùng nước đun sôi hoặc nước đóng chai để nấu ăn, rửa thực phẩm và chế biến. Không sử dụng nước ngập lụt, nước giếng hoặc nước không rõ nguồn gốc.

Cách xử lý, khử trùng nguồn nước bị nhiễm bẩn

Đầu tiên cần lọc nước để loại bỏ các tạp chất như bùn, đất, rác, và các hạt lớn. Một số phương pháp lọc đơn giản bao gồm:

  • Dùng vải sạch: Đổ nước qua nhiều lớp vải sạch (như khăn) để loại bỏ các hạt lớn.
  • Dùng bông, than hoạt tính, cát, sỏi: Tạo một hệ thống lọc tự chế bằng cách đổ nước qua các lớp bông, than hoạt tính, cát và sỏi để loại bỏ cặn bẩn.

Sử dụng hóa chất khử trùng (phèn chua, iodine) để xử lý vi sinh vật, tránh nhiễm khuẩn:

  • 1 gram phèn chua có thể làm sạch 20 lít nước
  • Dung dịch iodine: thêm 5-10 giọt iodine (2%) vào 1 lít nước sạch. Khuấy đều và để yên ít nhất 30 phút trước khi sử dụng.

Nấu chín tất cả các loại thực phẩm trước khi ăn, đặc biệt là thịt, cá, hải sản và trứng. "Vì thời điểm mưa lũ, nguồn nước có thể không đảm bảo; nhiệt độ, độ ẩm cao vì vậy chúng ta cố gắng nấu chín tất cả các loại thực phẩm để loại bỏ các nguy cơ không an toàn" - BS Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh.

Ngoài ra sau mưa bão, lũ lụt:

  • Loại bỏ thực phẩm đã bị ngâm trong nước lũ, bao gồm rau củ, thịt, cá, thực phẩm đóng hộp mà hộp bị hư hại hoặc rỉ sét.
  • Thực phẩm có mùi lạ, màu sắc bất thường hoặc bị hỏng do mất điện lâu ngày cần được loại bỏ để tránh ngộ độc.
  • Sau khi nước lũ rút, rửa sạch và khử trùng các dụng cụ nấu nướng, chén bát bằng nước sạch và dung dịch khử trùng.
  • Sử dụng lại nguồn nước an toàn: Chỉ sử dụng nước uống đã qua xử lý hoặc nước đóng chai khi nguồn nước bị ô nhiễm.

Việc tuân thủ các quy tắc trên có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh do thực phẩm gây ra trong thời gian ngập lụt. Mời các bạn nghe nội dung chi tiết tại đây: