Phát biểu tại buổi lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, bày tỏ: HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Năm nay, đánh dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra virs HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch với gần 250 nghìn người nhiễm

“Sẽ không thể tưởng tượng nổi nếu như không có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban ngành đoàn thể và của nhân dân, thì bây giờ Việt Nam đã có gần 1,2 triệu người nhiễm HIV và 320 nghìn người tử vong do AIDS”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, chủ đề Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay là “Hãy để cộng đồng dẫn dắt” nhằm nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của cộng đồng những người sống chung với HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm.

Cộng đồng giúp kết nối những người dân cần sử dụng dịch vụ phòng chống HIV, lấy con người làm trung tâm, là cầu nối giúp người cung cấp và người sử dụng dịch vụ hiểu nhau hơn, chủ động sáng tạo trong việc tiếp cận tới những người cần dịch vụ.

Bà Ramla cũng khẳng định, nhờ duy trì liên tục vai trò lãnh đạo, cam kết và các hành động mạnh mẽ trong phòng chống HIV, Việt Nam đã thành công trong việc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vào thí điểm và triển khai mở rộng các sáng kiến, lấy con người làm trung tâm, nhằm cải thiện hơn nữa các dịch vụ phòng chống HIV.

“Đề án cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, sáng kiến phân phát test để tự xét nghiệm HIV qua trang web, cấp phát thuốc ARV nhiều ngày và tốc độ mở rộng độ bao phủ dịch vụ dự phòng phơi nhiễm HIV (PREP)”, bà Ramla nêu những ấn tượng của mình về các sáng kiến phòng chống HIV tại Việt Nam.

Bà Ramla cũng bày tỏ sự trân trọng đối với nỗ lực của các ban ngành chức năng trong suốt thời gian hàng chục năm qua để đẩy lui HIV/AIDS.

Tuy nhiên thách thức vẫn đang còn. Những năm gần đây, xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, HIV tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (chiếm 80%).

Bà Ramla cho rằng, tình hình mới này đặt ra những giải pháp mới như là: tiếp cận tới các nhóm đích trẻ và cung cấp được cho họ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV; đáp ứng các hình thái lây truyền mới; giảm kỳ thhij và phân biệt đối xử cũng như loại bỏ các rào cản xã hội đang cản trở việc tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV; duy trì bền vững các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV hoàn toàn bằng nguồn tài chính trong nước.

“Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phả tiếp tục hoàn thiện và củng cố khung pháp lý cũng như phối hợp đa ngành trong phòng chống HIV”, bà Ramla đưa ra khuyến nghị.

Thay mặt Bộ Y tế - cơ quan thường trực phòng chống AIDS- bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề cập những nhiệm vụ trong thời gian tới:

Một là, các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể tiếp tục quan tâm và chỉ đạo chương trình phòng chống HIV/AIDS. Các địa phương cần tang cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác này.

Hai là, ngànhh y tế cần tiếp tục tang cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV.

Ba là, các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ và sáng tạo hơn nữa.

Bốn là, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật.

Tại Việt Nam, ước tính hiện có khoảng 250.000 người đang chung sống với HIV. Tính tới tháng 9/2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV.

9 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (47,3%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%).