Cả cơ thể chị Nguyễn Thi (Đông Anh, HN) tự hào nhất là phần eo thon. Thế nhưng, kể từ sau khi sinh con, đây lại là phần chị lại muốn che đậy nhất.
“Mình bị rạn và phần quanh rốn còn bị nhăn nữa nên là không tự tin chút nào nhất là khi mặc bộ quần áo croptop khó mà khoe được phần eo thon”, chị Thi chia sẻ.
Ban đầu chị Thi còn hy vọng vùng da này sẽ phục hồi theo thời gian, nhưng chờ đợi cả năm trời tình trạng chỉ càng tồi tệ hơn. Chị chia sẻ, những vết rạn lớn kèm thêm sự trùng nhão khiến chị Thi thậm chí còn xấu hổ, ngại ngùng với cả chồng mình. Thời tiết giao mùa những vết rạn này lại còn gây ngứa nên khá là khó chịu với chị.
9 tháng mang thai, chị Thi cũng tham gia các diễn đàn chuẩn bị làm mẹ và cũng được mách cho cách để chống rạn da. Thế nhưng, những gì chị áp dụng đã không hiệu quả.
“Có thể do cơ địa của mình, kết cấu da của mình như thế. Sau sinh mình có dùng dầu dừa để mát xa vùng bụng với hy vọng là có thể bớt rạn đi nhưng nó không hiệu quả”, chị Thi bày tỏ.
Bác sỹ Đinh Thị Yến -Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết: sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi từ sức khỏe cho đến nhan sắc, trong đó, hiện tượng rạn da mang tính chất phổ biến và là nỗi ám ảnh khiến phái đẹp dễ bị tự ti về ngoại hình của mình.
Rạn da xảy ra nhiều nhất ở vùng bụng, mông, ngực và đùi. Nguyên nhân của việc rạn da là do cân nặng tăng quá nhanh. Đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ thì kích thước của bụng người mẹ có thể sẽ to gấp 2 - 3 lần so với trước khi mang thai nên da sẽ phải kéo căng nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn để phù hợp với sự phát triển của bé... Kết quả của nó là các sợi elastin và collagen dưới da bị đứt gãy, gây teo lõm da khiến cho một số vùng da của cơ thể bị rạn.
Ngoài ra, còn liên quan đến độ tuổi mang thai (mang thai khi còn quá trẻ - thời điểm cấu trúc da chưa ổn định hoặc mang thai khi độ tuổi của mẹ đã lớn - thời điểm da đã lão hóa, giảm đàn hồi thì nguy cơ bị rạn da cũng rất cao); da bị thiếu chất và khô,…
Bác sỹ Đinh Thị Yến cho biết thêm: các vết rạn da đều có thể mờ đi sau khi sinh con. Thông thường, thời gian vết rạn da mờ đi khoảng từ 6 - 12 tháng sau khi các mẹ sinh con. Các sắc tố sẽ mờ dần và sẽ sáng hơn các vùng da tự nhiên xung quanh.
Vì rạn da là mối quan tâm của chị em do ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên việc làm thế nào để vết rạn mờ đi mà lại an toàn là lựa chọn của rất nhiều chị em. Dược liệu tự nhiên như dầu dừa, dầu ô liu, nha đam, nghệ,… là một số loại hay được chị em lựa chọn. Những loại này làm tăng độ ẩm cho da, tăng độ đàn hồi da và góp phần làm mờ vết rạn.
Nhưng rạn da bản chất là sẹo tự nhiên của da nên việc làm biến mất vết rạn da không để lại dấu vết gì, về làn da bình thường là rất khó khăn. Việc sử dụng dược liệu tự nhiên cũng chưa có thống kê đủ lớn nào đánh giá hiệu quả trên rạn da là thế nào. Tuy nhiên, cần lưu ý các sản phẩm này có thể gây kích ứng, dị ứng cho da.
Theo bác sỹ, hiện nay, có rất nhiều phương pháp trị rạn da tiên tiến làm mờ vết rạn da sau sinh và tiện lợi nhất vẫn phải nhắc đến các sản phẩm kem trị rạn da. Nhưng vết rạn da sau sinh khó có thể mất đi vĩnh viễn vì cấu trúc da đã bị tổn thương và không thể phục hồi lại như lúc ban đầu.
Thị trường hiện có bán rất nhiều loại kem bôi được giới thiệu có tác dụng trị rạn da. Tuy nhiên, các bà mẹ không nên tự ý tìm mua mà nên thăm khám bác sĩ da liễu để được tư vấn về loại kem an toàn và phù hợp. Các loại kem bôi trị rạn da sau sinh phổ biến nhất có thể kể đến là:
- Tretinoin: kích thích, thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào da, kích thích tổng hợp collagen nên làm giảm độ dài và rộng của vết rạn.Tuy nhiên hoạt chất này không sử dụng được cho phụ nữ có thai.
- Gel Silicon: góp phần tăng cường sản xuất collagen thúc đẩy giảm sắc tố melanin có trong vết rạn da nhờ đó mà da có thể đều màu trở lại.
- Những loại kem bôi rạn da chứa thành phần từ thiên nhiên nhằm hạn chế nguy cơ kích ứng (vitamin E, dầu tự nhiên), không chứa các thành phần hóa học, không có hương liệu.
Ngoài ra, việc dùng các loại kem cần tuân thủ đúng tần suất và liều lượng đã được bác sĩ chỉ định. Nếu gặp bất cứ phản ứng nào trong quá trình sử dụng cần báo với bác sĩ ngay để có hướng khắc phục kịp thời.
Cần chú ý, với những vùng da bị rạn mà em bé có thể tiếp xúc nhiều như bầu ngực, tay… thì nên cân nhắc trước khi sử dụng.
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ trở nên rất nhạy cảm và dễ kích ứng. Vì vậy, nên chọn các loại kem trị rạn da không chứa hương liệu hay paraben là những thành phần có nguy cơ kích ứng da
Cũng theo bác sỹ Đinh Thị Yến, hiện nay, ngoài kem bôi thì có rất nhiều phương pháp khác điều trị rạn da. Mặc dù các phương pháp sau đây không thể làm mất hoàn toàn vết rạn, nhưng sẽ làm chúng mờ hơn:
· Lột da hóa học (Chemical peels);
· Liệu pháp laser: fractional CO2, laser xung màu (PDL), laser excimer
· Sóng RF
· Sóng siêu âm.
· Phẫu thuật loại bỏ vùng da rạn.
Thực tế, để điều trị rạn da hiệu quả, các bác sỹ còn dùng phối hợp nhiều phương pháp với nhau: laser và sóng RF,..
Xin mời nghe bài viết tại đây: