Dã ngoại hay tiệc tùng luôn là vấn đề khiến phụ huynh có con bị dị ứng thức ăn "toát mồ hôi"; Khi con đau bụng, bạn âm thầm phân tích tất cả những thứ trẻ đã ăn; Bạn hoàn toàn hiểu rằng "dù chỉ một miếng thức ăn" cũng đủ làm con bị tổn thương…. Những điều vừa liệt kê, có lẽ chỉ những cha mẹ có con bị dị ứng thức ăn mới hiểu.

5 tháng rưỡi, bé Bống con chị Nguyễn Hoàng Thủy ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị đi ngoài 30 lần/1 ngày. Chị hốt hoảng đưa con đi khám.

"Em đưa con đi khám thì biết bé bị dị ứng đạm sữa bò, vì lần đó em uống sữa rồi cho con ti. Từ đó bé phải kiêng khem cẩn thận các món liên quan đến sữa và chế phẩm từ sữa" - chị Thủy kể lại.

Hết thời gian nghỉ thai sản, chị Thủy đi làm để con ở nhà cùng ông bà rồi sau đó đi lớp. Những ai chăm sóc con sẽ có 1 buổi “tập huấn” nhỏ với mẹ Thủy về những món ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con. "Ông bà hay những người xung quanh bé được dặn dò kỹ những món ăn làm con dị ứng, cũng có rất nhiều bất tiện cho con, ví dụ có sinh nhật ở lớp, các bạn được liên hoan bánh kẹo, nhưng con thì không được ăn vì những món đó đều có thành phần từ sữa" - chị Thủy nói.

Một số yếu tố nguy cơ khiến 1 người bị dị ứng thức ăn nhiều hơn.

  • Thứ nhất là gia đình. Nếu gia đình có cha, mẹ, anh chị em bị dị ứng thức ăn hoặc cơ địa dị ứng thì người đó sẽ có nguy cơ bị dị ứng thức ăn nhiều hơn.
  • Thứ hai là người có bệnh dị ứng kèm theo như hen, viêm mũi dị ứng.
  • Thứ ba là tuổi tác. Người ta nhận thấy rằng trẻ em có khả năng bị dị ứng thức ăn nhiều hơn người lớn. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này như hệ tiêu hóa trẻ em chưa trưởng thành, hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại kháng nguyên gây dị ứng.

Tiền sử gia đình có người bị dị ứng nên chị Phạm Thị Hoàng Vân, ở Hà Nội chủ động trong việc chăm sóc con gái. Nhưng hôm đầu tuần vừa rồi, cháu phải nhập viện lúc nửa đêm vì dấu hiệu dị ứng trở nặng: "em cũng đã dặn cô giáo ở lớp về khẩu phần ăn của con như kiêng hải sản, tôm cua, nhưng hôm vừa rồi cô quên, con chỉ ăn nước canh nấu từ tôm nhưng toàn bộ người mẩn đỏ, mắt môi sưng húp, đây là lần dị ứng nặng nhất của con".

Dị ứng thức ăn là hiện tượng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với 1 loại chất có trong thành phần của thức ăn. Ngay cả 1 lượng nhỏ thức ăn cũng có thể gây ra những vấn đề về tiêu hóa, nổi mề đay, phù nề đường thở.

TS.BS Bùi Văn Dân, Quyền điều hành và phụ trách Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E cho biết: Thực phẩm gây dị ứng sẽ tùy thuộc vào lứa tuổi.

Với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, sữa là nguồn thức ăn chủ yếu. Do đó, với trẻ em, sữa và trứng là 2 thực phẩm dễ gây dị ứng nhất. Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ sẽ có nguy cơ dị ứng với hải sản như tôm, cua, cá hoặc bột mì; các loại hạt như đậu phộng, macca, hạnh nhân sẽ tăng nguy cơ sốc phản vệ. Một số trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò, sữa đậu nành.

Một số người sẽ bị dị ứng thức ăn kéo dài đến lớn. Tuy nhiên, có một số người đến khi trưởng thành mới bị dị ứng thức ăn. Theo khảo sát, thức ăn dễ gây dị ứng ở người lớn là hải sản; các loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân; bột mì.

Nhiều người có quan niệm chọn thực phẩm hữu cơ sẽ an toàn, không gây dị ứng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Văn Dân: nếu trong sản phẩm hữu cơ có chứa thành phần đạm gây dị ứng thì nguy cơ dị ứng cũng giống như sản phẩm bình thường.

Để lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh bị dị ứng, bác sĩ Dân khuyến cáo:

Thứ nhất, bệnh nhân cần xác định rõ rằng họ bị dị ứng thức ăn hay đó là tác dụng bất lợi sau khi dùng thức ăn như ngộ độc. Một số người ăn hải sản để lâu ngày sẽ gây ra triệu chứng gần giống với dị ứng thức ăn.

Thứ hai, bệnh nhân phải xác định dị ứng với thành phần nào, loại thức ăn nào, tránh trường hợp phòng ngừa quá mức.Ví dụ, dị ứng sữa bò thì sẽ xác định dị ứng thành phần nào của sữa bò.

Thứ ba, nếu đã biết bản thân dị ứng với thành phần thức ăn đặt biệt, bạn nên xem thành phần của sản phẩm trước khi mua. Các sản phẩm ngoại nhập thường ghi rõ thành phần sản phẩm sẽ gây dị ứng với bệnh nhân.