Theo Đại tá PGS.TS.TTƯT. Trịnh Thế Sơn, Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y, thành viên Hội đồng đánh giá, xây dựng hướng dẫn của WHO trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị vô sinh trên thế giới, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không chỉ góp phần vào việc giải quyết tình trạng giảm sinh mà quan trọng hơn còn giúp tạo ra những công dân khỏe mạnh, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, giảm chi phí y tế, nâng cao chất lượng dân số.
PGS.TS Trịnh Thế Sơn chia sẻ về những câu chuyện mà ông được chứng kiến từ thực tế công việc sàng lọc, điều trị hỗ trợ sinh sản cho hàng nghìn trường hợp trong nhiều năm qua và cũng để chứng minh tầm quan trọng của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số: "Mỗi gia đình là một bi kịch. Tôi từng gặp một gia đình cứ đẻ con trai là không ai sống quá 40 tuổi vì liên quan đến tổn thương cơ, suy hô hấp. Cô vợ đã từng qua Singapore để điều trị, bác sĩ bên đó bảo tại sao VN làm được mà lại sang đây, họ đưa bài báo của Viện được công bố trên tạp chí quốc tế. Sau đó cô ý về và đến đây sàng lọc thành công… Hay 1 trường hợp mang gen tan máu bẩm sinh, ở đây xét nghiệm phôi sau đó chuyển vào phôi khỏe mạnh, sinh ra em bé khỏe mạnh, không mang gen bệnh. Chất lượng dân số là ở chỗ đó".

Đại tá PGS.TS.TTƯT Trịnh Thế Sơn khẳng định, hiện kỹ thuật và trình độ của các bác sĩ VN trong điều trị hỗ trợ sinh sản được đánh giá là tốt nhất trong khu vực. Nhiều trang thiết bị hiện đại đã được đưa vào thực hiện và nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cao nhất cũng đã được áp dụng tại Việt Nam. Viện mô phôi lâm sàng Quân đội là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển kỹ thuật và chuyển giao công nghệ đến các cơ sở điều trị khác.
"Từ năm 2010 ở đây triển khai kỹ thuật Micro TESE, kỹ thuật này có đóng góp rất lớn đó là giúp cho nhiều bệnh nhân vô tinh có thể có con. Ngoài ra, gần đây Viện mô phôi phát triển nhiều về sàng lọc di truyền trong hỗ trợ sinh sản như PGTa, PGTm. PGTsr, có thể tránh nguy cơ cho những em bé có bất thường về số lượng nhiễm thể, ví dụ như down - đặc biệt PGTm có thể giúp cho những bệnh nhân mang đơn gen như Thalasmia, Hemophilia, teo cơ tủy... để những gia đình không sinh ra những đứa con mang gen bệnh đó, thậm chí là không mang gen đó" - theo PGS.TS.TTƯT Trịnh Thế Sơn.
Chị Lê Thị Hồng Trâm ở TP Đà Nẵng là 1 trong số hàng nghìn gia đình đã được sàng lọc di truyền thành công. Chị cho biết, con đầu của chị bị bệnh Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh. 13 năm nay tháng nào bé cũng phải vào viện để truyền máu và uống thuốc thải sắt mới có thể duy trì được sự sống.
Ở lần mang thai thứ 2, chị đã ra BV Phụ sản TW thực hiện xét nghiệm chẩn đoán trước sinh với bệnh Thalassemia, kết quả cho thấy thai nhi cũng mắc bệnh. Không nỡ sinh con ra để rồi phải gắn bó với bệnh viện suốt cuộc đời, chị đành quyết định đình chỉ thai nghén.
Niềm mong mỏi sẽ có con khỏe mạnh tưởng như đã tắt cho đến năm 2022, đơn vị nơi chồng chị công tác thông báo, Viện mô phôi Quân đội có chương trình hỗ trợ sàng lọc di truyền bệnh Thalassemia cho các gia đình quân nhân, vợ chồng chị lại lên đường ra Hà nội với bao hy vọng. Trải qua quá trình sàng lọc, tạo phôi, chọn phôi và chuyển phôi thành công, tháng 12 năm ngoái chị Hồng Trâm đã sinh em bé hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh.
"Lúc bồng con trên tay mà cứ ngỡ như là mơ vì 2 đứa trước đều có bệnh nên khi sinh em bé này ra cả gia đình từ vợ chồng, ông bà đều rất mừng. Cảm xúc không diễn tả được bằng lời..." - Chị Lê Thị Hồng Trâm chia sẻ.

Đại tá PGS.TS.TTƯT. Trịnh Thế Sơn cho biết, năm 2016 - khi mới triển khai kỹ thuật sàng lọc di truyền trước làm tổ bệnh đơn gen (PGTm), Viện chỉ sàng lọc được một vài bệnh như tan máu bẩm sinh, rối loạn đông máu di truyền, teo cơ tủy, nhưng hiện nay đã sàng lọc được khoảng 400 bệnh đơn gen.
Cha mẹ được sàng lọc sẽ sinh ra những em bé khỏe mạnh không mang gen bệnh, không bị các bất thường di truyền. Như vậy, không chỉ làm tổng tỷ suất sinh tăng lên mà kỹ thuật hỗ trợ sinh sản còn giúp nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên, vì hỗ trợ sinh sản là những kỹ thuật hiện đại, chi phí cao nên chưa được BHYT chi trả. Đây cũng là điều mà PGS.TS Trịnh Thế Sơn băn khoăn khi còn nhiều người, nhiều gia đình chưa thể tiếp cận được kỹ thuật này - đặc biệt là các gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc - nơi có tỷ lệ người dân mang gen bệnh tan máu bẩm sinh cao do hôn nhân cận huyết.
PGS.TS Trịnh Thế Sơn nêu kinh nghiệm một số nước như Đức, Úc đang áp dụng là hỗ trợ làm thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí trong 3 lần, đến lần thứ 4 thì bệnh nhân và bảo hiểm cùng chi trả. Đây cũng là một cách làm mà chúng ta có thể học hỏi để triển khai thí điểm – đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trong Chiến lược phát triển dân số VN đến năm 2030.
Đối với quân nhân, được sự quan tâm của Quân ủy trung ương, Bộ quốc phòng các gia đình điều trị hỗ trợ sinh sản được hỗ trợ mỗi lần không quá 50 triệu và không quá 5 lần. Đây là sự động viên, sự hỗ trợ rất lớn đối với lực lượng vũ trang./.