Báo cáo của Sở Y tế TP. HCM cho thấy, chỉ tính riêng tuần qua, thành phố có gần 779 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần. Hiện phòng cấp cứu thuộc khoa Nhiễm tại các bệnh viện nhi đồng đã bắt đầu quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép.

Số liệu của Viện Pasteur TPHCM cũng cho thấy, từ đầu năm, 20 tỉnh thành khu vực phía Nam đã ghi nhận khoảng 12.000 trẻ mắc bệnh TCM, trong đó có 7 ca tử vong. Hơn 50% mẫu bệnh phẩm là chủng Enterovirus 71 (EV71) có độc lực cao, nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị muộn. Hầu hết bệnh nhân tử vong do loại virus này gây ra. Virus EV71 là tác nhân thường gây dịch, gây ra biến chứng và nguy cơ dẫn đến tử vong cao hơn các chủng virus khác.

Về vấn đề thuốc điều trị, sở y tế TP.HCM cho biết, hầu hết các thuốc cần cho việc điều trị TCM đang được đáp ứng, riêng 2 loại thuốc sử dụng cho bệnh TCM phân độ nặng là Immunoglobulin và Phenobarbital (dạng tiêm) sẽ gặp khó khăn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng và kéo dài.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác, ngày 30/6, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát dịch tay chân miệng. Các đoàn kiểm tra này sẽ công tác ở 14 tỉnh, thành trong cả nước, tập trung vào khu vực miền Nam. Tham gia đoàn kiểm tra là Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, đại diện Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Đoàn kiểm tra, giám sát sẽ làm việc với Sở Y tế các tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Các đoàn sẽ kiểm tra những nội dung sau: Triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống dịch bệnh năm 2023; công tác chuyên môn về dự phòng: giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng, rửa tay bằng xà phòng, vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch; đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết thời gian tới.