Gia đình chị Nguyễn Hồng Thanh ở Kim Mã, Hà Nội có 4 người thì 3 người mắc sốt xuất huyết. Và tất cả đều có triệu chứng rất nặng.

“3 bố con sốt liên tục, sốt không dứt lúc nào cũng 39 độ C, uống hạ sốt chỉ giảm được một chút, gần như không có tác dụng và chỉ được một lúc nhiệt độ lại tăng trở lại. 2 cháu và chồng mình cứ li bì cả ngày không ăn uống gì cả, mồm miệng đắng ngắt”, chị Thanh chia sẻ.

Tình trạng này kéo dài suốt 3 ngày liền và lúc này cơ thể chỉ duy trì bằng nước. Chị Thanh cho biết, ngoài truyền nước thì chị cố gắng động viên chồng và hai con uống thêm oresol, nước dừa, nước lọc.

Chị Trần Thu Phương, ở Đống Đa, Hà Nội cũng chia sẻ, lúc con trai bị sốt xuất huyết, gia đình vô cùng lo lắng, sốt ruột. Bởi cháu còn nhỏ, những cơn sốt cao li bì khiến cháu thậm chí cả ngày không ăn gì.

Chị chỉ có thể cho cháu uống được chút sữa và ăn được vài thìa cháo. Vì lo con thiếu chất, chị cũng cho thêm nhiều thịt cá vào cháo nhưng con kêu là càng buồn nôn và không ăn được.

Ths.BS Nguyễn Thị Liên Hà, Khoa -Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: tình trạng chung của các bệnh nhân sốt xuất huyết là rất kém ăn, đặc biệt trong giai đoạn sốt cao vào những ngày đầu của bệnh. Vì thế, theo lời khuyên của bác sỹ, người bệnh nên ăn những thực phẩm lỏng như: sữa, cháo, súp và các loại nước hoa quả: nước dừa, nước cam.

Nếu người bệnh cảm thấy chán ăn, đắng mồm đắng miệng có thể chia thành 6 bữa nhỏ ăn rải rác trong ngày và tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán vì có thể làm gia tăng tình trạng khó tiêu, chán ăn.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, lúc này cơn sốt bắt đầu hạ, người bệnh có cảm giác ăn uống hơn. Bác sỹ Liên Hà gợi ý có thể thể ăn cháo đặc, phở, bún.

“Giai đoạn này người bệnh có thể gặp hiện tượng cô đặc máu vì thế việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là đặc biệt quan trọng”, bác sỹ Liên Hà nhấn mạnh và khuyên người bệnh tiếp tục duy trì các loại nước uống như giai đoạn đầu của bệnh.

Trong giai đoạn hồi phục, chế độ ăn có thể trở lại như bình thường với 4 nhóm thực phẩm và gia tăng lượng đạm trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại vitamin để giúp người bệnh nhanh chóng khỏe lại.

Ngoài ra, bác sỹ Liên Hà cũng khuyến cáo bệnh nhân sốt xuất huyết nên tránh sử dụng chất kích thích, tránh ăn đồ ăn màu đỏ như thanh long, củ dền đỏ vì dễ nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến những phán đoán điều trị.

Bác sỹ Liên Hà lưu ý, khi chế biến đồ ăn không chỉ lấy phần nước ninh của thịt, rau củ quả mà cần xay nhỏ các nguyên liệu này để nấu cháo hoặc súp, như vậy mới đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.