Acid uric là hợp chất dị vòng của cacbon, oxi, hydro và nitơ. Hợp chất này được tạo thành trong cơ thể do quá trình thoái giáng những nhân purin. Sau đó, chúng được hòa tan trong máu rồi được đưa tới thận và thải ra ngoài qua nước tiểu.

Acid uric tác động ra sao đến sức khỏe?

Theo TS-BS Lê Phong – Cố vấn cao cấp Bệnh viện Đa khoa An Việt, acid uric không tham gia nhiều vào quá trình chuyển hóa của cơ thể nhưng nó là một hằng số giới hạn đánh giá thực trạng về sự bình thường chuyển hóa nhân purin hay nói cách khác là nhân purin của tế bào phản ánh sự hấp thu và chuyển hóa đạm trong cơ thể con người.

Chỉ số này là một trong những yếu tố để các bác sĩ chẩn đoán bệnh gout, phản ánh rõ mức độ bệnh của mỗi người, và cùng với các đặc điểm lâm sàng khác giúp xác định giai đoạn bệnh.

Chỉ số acid uric cao có thể do quá trình tăng cung cấp, tăng tạo hay giảm thải trừ acid uric uric qua thận hay đồng thời của cả hai quá trình này. Nếu nồng độ tăng cao trong máu kéo dài có thể dẫn tới một dạng viêm khớp là bệnh gout. Những hạt lắng đọng trong và quanh các khớp dẫn tới tình trạng viêm, sưng và đau khớp. Chúng lắng đọng dưới da tạo thành những hạt tophi, diễn biến bệnh kéo dài thể gây sỏi thận và suy thận.

Chỉ số acid uric bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số tốt nhất trong cơ thể là dưới 6 mg/dl, giảm được nguy cơ mắc bệnh gout. Nồng độ acid uric ở mức 6-7 mg/dl là bình thường, an toàn.

Mức độ 1: Nồng độ acid uric trong máu dưới 6,5 mg/dl (< 380 μmol/lít) là bình thường, an toàn.

Mức độ 2: Nồng độ acid uric trong máu trong khoảng 6,5 – 7,2mg/dl (380 – 420 μmol/lít) có thể chấp nhận.

Mức độ 3 và 4: Nồng độ acid uric trong máu 7,2 – 8,2mg/dl (420 – 480 μmol/lít) và 8,2 – 10 mg/dl (480 – 580 μmol/lít) có thể xuất hiện một số dấu hiệu của những cơn gout cấp khi chỉ số acid uric tăng cao.

Mức độ 5 và 6: Nồng độ acid uric trong máu 10 – 12 mg/dl (580 – 700 μmol/lít) và > 12 mg/dl (> 700 μmol/lít) thường gặp ở giai đoạn gout mạn tính, khi đã xuất hiện các hạt tophi dưới da.

Tuy nhiên, TS-BS Lê Phong nhấn mạnh "có những trường hợp chỉ số acid uric tăng tới 450 μmol/lít mà không gây bệnh và không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng có những người chỉ tăng lên 400 μmol/lít thì đã có biểu hiện bệnh. Vì vậy, có cần điều trị hay không hoặc việc điều trị nên được thực hiện như thế nào còn phụ thuộc vào từng cá thể hoặc yếu tố nguy cơ của từng người".

Các nguyên nhân gây tăng acid uric

TS-BS Lê Phong cho biết, có 3 nguyên nhân gây tăng acid uric:

-Đầu tiên là do ăn uống những loại rau quả có màu đỏ ( ăn rau dền, hoặc gấc…) ăn nhiều chất đạm màu đỏ ( cá hồi, tôm, cua, thịt trâu, thịt chó, thịt bò, thịt ngựa, thịt dê…)

- Ở một số người có yếu tố nguy cơ như mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân béo phì...

- Ngoài ra còn do yếu tố di truyền hoặc môi trường sống gây nên tình trạng tăng acid uric

“Ở Việt Nam do lối sống của người dân thay đổi rất nhanh nên những người bị tăng acid uric phổ biến trong độ tuổi từ 30 – 50 tuổi. Bệnh chủ yếu gặp ở nam nhưng cũng không hiếm ở nữ. Khoảng 50% số người đi khám sức khỏe gặp phải tình trạng tăng acid uric. Tỷ lệ chung được chẩn đoán mắc bệnh gout (thống phong) trên thế giới chiếm 2-14% trong cộng đồng. Xu hướng trẻ hóa, bệnh lại tiến triển âm thầm cho nên người bệnh thường chủ quan trong việc điều trị bệnh” – BS Lê Phong nói.

Triệu chứng và cách điều trị khi bị tăng acid uric

Đôi khi người bệnh không có triệu chứng gì, bệnh diễn biến âm thầm nên người dân thường hay chủ quan. Theo BS Lê Phong, khi bị bệnh gout, người bệnh thường biểu hiện qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu: âm thầm, không triệu chứng, người dân hay chủ quan.

Giai đoạn 2: Xuất hiện những cơn đau, đau thường về đêm ( hay gặp ở nam giới). Cơn đau thường bắt đầu xảy ra ở những khớp nhỏ trên bàn chân, tình trạng đau tăng lên dữ dội.

Giai đoạn 3: Xuất hiện u, cục do acid uric chuyển hóa thành urate lắng đọng ở màng xương khớp của tế bào tạo nên những hạt tophi. Hạt tophi thường chứa dịch lỏng, sệt hoặc tinh thể rắn giống tổ chức bã đậu. Qua lớp da có thể thấy màu trắng nhạt của tinh thể urate trong hạt tophi. Hạt tophi có lúc ở tình trạng viêm cấp làm da nóng, đỏ. Theo thời gian, phát triển to dần, vỡ chảy ra chất nhão và trắng như phấn, hoặc rỉ dịch vàng. Hạt tophi rất khó tan, trong các trường hợp nghiêm trọng, hạt tophi có thể ăn mòn xương, phá hủy sụn, gây đau đớn và suy nhược cơ thể. Đôi khi hạt tophi bị vỡ ra gây bội nhiễm, thậm chí gây viêm toàn bộ khớp và nhiễm trùng máu.

Điều trị bệnh này có nhiều giải pháp nhưng tùy từng giai đoạn của bệnh thì lại có những cách điều trị khác nhau. Không phải cứ tăng acid uric là bị bệnh gout. Acid uric tăng còn gây nên nhiều bệnh khác nữa, đặc biệt lưu ý là bệnh về thận, lắng đọng axit urate tại thận rất nguy hiểm.

“Nếu chỉ gây bệnh lý tại khớp thì chúng ta có thể điều trị được nhưng cũng gây ra nhiều biến chứng. Nếu acid uric tăng cao bệnh nhân cần điều trị ngay để làm giảm acid uric xuống hoặc đào thải ra khỏi cơ thể. Phải tích cực điều trị để không làm cho tinh thể urate xâm nhập vào màng khớp gây bệnh”- BS Lê Phong khuyến cáo.

Phòng tránh tăng acid uric

Để hạn chế nguy cơ tăng acid uric trong máu cần giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn, hạn chế bổ sung các thực phẩm giàu đạm có gốc purin như hải sản, những loại thịt đỏ như thịt trâu, thịt bò, thịt dê, nội tạng động vật… Bên cạnh đó cần tránh ăn các thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, hoa quả chua, canh chua… Do các món ăn này có thể làm tăng nguy cơ kết tinh urate trong ống thận, tăng nguy cơ tạo sỏi trong thận.

Nên bổ sung những loại rau củ nghèo purin và giàu chất xơ như atiso, xà lách, cà rốt, bắp cải, dưa leo… Do các thực phẩm giàu chất xơ có thể làm chậm quá trình hấp thu đạm nên giảm sự hình thành acid uric.

Hạn chế sử dụng đồ uống chứa chất kích thích vì có thể làm tăng acid uric trong máu. Các thức uống cần tránh xa là bia, rượu…Mỗi ngày nên bổ sung khoảng 2 – 3 lít nước lọc khi dùng uống thuốc trị bệnh. Với các trường hợp không mắc các bệnh lý tim mạch, người bệnh có thể uống những loại nước khoáng có độ kiềm cao như nước soda.. để kiềm hóa nước tiểu nhằm tăng đào thải acid uric.

Nếu phát hiện lượng acid uric trong máu cao quá mức bình thường, cần hạn chế dùng những thực phẩm giàu đạm như hải sản, các loại thịt đỏ, nội tạng động vật và hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá.

Chế độ ăn uống nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giúp ích rất nhiều cho quá trình đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các trường hợp có tăng acid uric trong máu cần dùng thuốc.