Việc sử dụng thực phẩm theo mùa có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực và sức khỏe. Có nhiều lý do khiến việc này trở nên cần thiết và mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn môi trường.
Anh Dương Văn Hùng, Phó chủ tịch Liên chi hội đầu bếp Việt Nam lý giải: Thứ nhất, thực phẩm theo mùa có chất lượng và hương vị tối ưu. Khi được thu hoạch vào đúng thời điểm, các loại rau củ quả đạt được độ chín tự nhiên, có hương vị tươi ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Điều này không chỉ giúp món ăn trở nên hấp dẫn hơn mà còn đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Thứ hai, sử dụng thực phẩm theo mùa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp bền vững. Bằng cách tiêu thụ các sản phẩm địa phương và đúng mùa, chúng ta giảm thiểu lượng nhiên liệu cần thiết cho việc vận chuyển và bảo quản thực phẩm từ xa. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải carbon mà còn hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp địa phương.
Thứ ba, thực phẩm theo mùa thường có giá cả hợp lý hơn. Do nguồn cung dồi dào và dễ tiếp cận, giá thành của các sản phẩm này thường không bị đẩy lên cao như các loại thực phẩm trái mùa. Điều này giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng bữa ăn.
Thứ tư, việc sử dụng thực phẩm theo mùa tạo cơ hội cho sự sáng tạo trong nấu nướng. Đầu bếp có thể tận dụng chất lượng tốt của nguyên liệu chính vụ để sáng tạo ra những món ăn mới, độc đáo, phù hợp với từng thời điểm trong năm.
Cuối cùng, thực phẩm theo mùa đảm bảo an toàn và có lợi cho sức khỏe. Các sản phẩm này thường ít phải sử dụng chất bảo quản, do đó giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất dễ dàng hơn. Hơn nữa, tự nhiên cũng cung cấp cho chúng ta những loại thực phẩm phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong từng mùa, ví dụ như các loại trái cây nhiều nước vào mùa hè hay thực phẩm giàu chất béo vào mùa đông.
Ngoài ra, theo anh Dương Văn Hùng, trong phạm vi gia đình, việc sử dụng thực phẩm theo mùa còn mang ý nghĩa giáo dục quan trọng. "Trong bối cảnh gia đình, nó tạo cơ hội để cha mẹ dạy con cái về sự kỳ diệu của tự nhiên, về đặc trưng của từng vùng miền và giá trị của việc ăn uống lành mạnh, bền vững" - anh Hùng bày tỏ quan điểm.
Để tận dụng tối đa lợi ích của thực phẩm theo mùa, người tiêu dùng nên chú ý đến nguồn gốc, chất lượng và độ tươi của sản phẩm khi mua sắm. Đồng thời, cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Trong quá trình chế biến, nên áp dụng những phương pháp phù hợp với đặc tính của từng loại nguyên liệu và mùa để tối ưu hóa hương vị và giá trị dinh dưỡng.
"Chúng ta chú ý đến nguồn gốc và chất lượng khi chọn mua thực phẩm. Ngoài ra chú ý đến độ tươi, bên cạnh đó thì cân đối về dinh dưỡng, mỗi một mùa đều có các loại rau, thịt cá giàu dinh dưỡng, vấn đề là kết hợp giữa các loại thực phẩm để giữ sự cân bằng. Bên cạnh đó mỗi loại nguyên liệu nên có cách chế biến để giúp món ăn đạt kết quả cao nhất ví dụ rau mùa xuân thì nên luộc, xào nhẹ, giữ lại độ ẩm độ tươi. Trong khi các loại rau củ mùa đông nên nấu chín kỹ để tạo cho món ăn có tính ấm, giàu năng lượng"- anh Dương Văn Hùng chia sẻ kinh nghiệm.
Những loại rau xanh thường thấy vào mùa xuân như rau mầm, nấm, xà lách… hay những trái cây mọng nước và giàu vitamin như vú sữa, quýt, lê, lựu…Tới hè, khi nhiệt độ lên cao, ánh nắng chói chang khiến cơ thể mất nước. Bạn nên chọn các thực phẩm có sắc tím, đỏ để bổ sung chất chống oxy hoá và vitamin C cho cơ thể. Đầu bảng có thể kể đến cam, vải, nhãn, cà chua, cà tím, dứa, xoài, việt quất..
Thu sang, các loại thực phẩm cũng không còn mọng và giàu dưỡng chất như hai mùa Xuân Hè nữa. Bạn có thể lui về với những thực phẩm như măng, táo giòn, hạt sen, các loại hạt họ đậu, bưởi, hồng, chuối, mít, sầu riêng, cần tây. Và mùa Đông, cơ thể rất dễ mất nhiệt lượng và không đủ khoáng chất. Chúng ta buộc phải chọn những thực phẩm có tính nhiệt cao để làm ấm cơ thể, tránh cảm lạnh như gừng, quế, hồi (gia vị) hay ớt chuông, hành tây, củ cải, củ sen, hạt dẻ, thực phẩm giàu chất béo.
Mời nghe bài viết tại đây: