Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ở giai đoạn sớm, bệnh ung thư phổi thường không có triệu chứng đặc hiệu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 60 đến 70% bệnh nhân mắc căn bệnh này nhập viện ở giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác khiến cho việc điều trị vô cùng khó khăn, hiệu quả thấp.

Do đó, tầm soát ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi kích thước khối u còn nhỏ và khu trú tại phổi. Từ đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị, kéo dài thời gian sống cho người bệnh và giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

“Các phương pháp tầm soát ung thư phổi kinh điển là chụp X –quang và xét nghiệm đờm để tìm sự xuất hiện của các khối u trên phim X quang phổi hoặc phát hiện các tế bào ung thư trong mẫu đờm. Tuy nhiên giá trị sàng lọc của các kỹ thuật này tương đối hạn chế, thường chỉ phát hiện được khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khối u đã lớn. Những tổn thương nhỏ có thể bị bỏ sót trên phim chụp X quang thường quy. Nhiều bệnh nhân cũng hỏi chúng tôi về phương pháp xét nghiệm máu để tìm các dấu ấn ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy giá trị tìm dấu ấn ung thư này khá thấp và nó không được khuyến cáo sử dụng để tầm soát cho ung thư phổi” – BS Lê Hoàn cho biết.

Hiện nay, một phương pháp đang được khuyến cáo sử dụng một cách rộng rãi để sàng lọc ung thư phổi là chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp với bức xạ tối thiểu nhưng cho phép phát hiện tổn thương nhỏ đến 1mm, giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.

TS.BS Lê Hoàn cũng cho biết, chụp cắt lớp vi tính liều thấp để tầm soát ung thư phổi được chỉ định thực hiện hàng năm cho những trường hợp có nguy cơ cao như: người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào, người hút thuốc thụ động, người mà trong gia đình có tiền sử mắc ung thư phổi, người làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc với hóa chất bay hơi, tia xạ, bệnh nhân lao phổi hoặc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, dù hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy xuất hiện các tổn thương hoặc khối u thì vẫn cần làm thêm xét nghiệm để xác định bản chất của khối u.

“Chụp cắt lớp vi tính hay là các phương pháp chẩn đoán hình ảnh nói chung chỉ giúp chúng ta phát hiện các nốt tổn thương phổi, các khối u ở phổi chứ không thể khẳng định được đấy là ung thư. Để chẩn đoán chính xác thì người bệnh sẽ cần phải làm thêm các thăm dò như nội soi sinh thiết hoặc và xét nghiệm tế bào xác định xem bản chất đó có phải là ung thư hay không?” – BS Lê Hoàn giải thích.

Bác sĩ Lê Hoàn cũng cho biết, bên cạnh phương pháp chụp cắt lớp vi tính liều thấp, sự phát triển của khoa học, công nghệ còn hứa hẹn sẽ có thêm những phương pháp mới giúp sàng lọc, tầm soát ung thư phổi hữu hiệu hơn như áp dụng các kỹ thuật sinh học phân tử cho phép phát hiện các mảnh vật liệu di truyền trong máu liên quan đến ung thư, gọi là sinh thiết lỏng hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tính toán từ các yếu tố nguy cơ, yếu tố về gen kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh… để đưa ra đưa ra các chẩn đoán phù hợp và phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh.

Để phòng bệnh ung thư phổi, các chuyên gia y tế khuyên mọi người không nên hút thuốc, giữ cho môi trường nhà ở và nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Những người sống ở khu vực bị ô nhiễm không khí cần đeo khẩu trang khi ra đường. Đồng thời thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố bất thường về sức khỏe.