Trò chuyện với điều dưỡng Mai Xuân Thành – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, anh cho biết đặc thù khoa cấp cứu là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân và nhiều tình huống bất ngờ, nhân viên y tế phải chịu áp lực công việc rất lớn để vừa đảm bảo tính mạng cho người bệnh vừa thực hiện công việc theo đúng quy trình. Đôi khi người bệnh không hiểu rõ các quy định của bệnh viện dẫn đến hiểu lầm.

“Ví dụ trong khi các y bác sỹ đang cấp cứu cho một trường hợp rất nặng nguy hiểm đến tính mạng thì lại có những trường hợp bệnh nhân mới vào. Bệnh nhân đó chỉ bị chóng mặt và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, bệnh viện phải test covid để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và những người bệnh đang nằm trong khoa. Người nhà bệnh nhân không hiểu, họ trách móc tại sao người nhà tôi đang vào cấp cứu mà còn phải test covid này nọ, họ nói nhân viên y tế vô trách nhiệm ... Thế nhưng người bệnh không hiểu là phải phân loại bệnh nhân, bệnh nhân nào cần ưu tiên cấp cứu trước, bệnh nhân nào có thể trì hoãn...”, điều dưỡng Thành chia sẻ.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị, trung bình mỗi kíp trực cấp cứu sẽ có khoảng 2-3 bác sỹ cùng 5-7 điều dưỡng thực hiện công việc điều trị cho khoảng 50 -100 bệnh nhân tùy từng thời điểm. Và trong đó có 50% bệnh nhân cần ưu tiên cấp cứu ngay lập tức, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Theo BS Nguyễn Đặng Khiêm – Trưởng Khoa Cấp cứu, nguyên tắc tối thượng ở phòng cấp cứu là bệnh nhân nặng sẽ cấp cứu trước, do vậy không thể cùng 1 lúc người bác sỹ có thể phân thân xử trí hết tất cả các bệnh nhân mà sẽ phải làm theo thứ tự.

Bác sỹ Khiêm cũng cho biết: "trong 1 tua trực cùng 1 lúc có thể có vài bệnh nhân nặng thì trong những bệnh nhân nặng đó chúng tôi phải phân loại xem bệnh nhân nào cần cấp cứu ngay, bệnh nhân nào có thể chờ 5-10 phút...Ví dụ bệnh nhân ngừng tim thì phải cấp cứu ngay lập tức, bệnh nhân khó thở thì có thể cho thở oxy chờ đợi một lúc, bệnh nhân nào suy hô hấp cần đặt nội khí quản ngay...Có những lúc cả kịp phải cùng thực hiện 1 ca cấp cứu cho nên sẽ có tình trạng trong 1 lúc nào đó sẽ có những bệnh nhân phải chờ đợi. Ví dụ những bệnh nhân đau bụng, mặc dù bệnh nhân rất đau nhưng các chỉ số sinh tồn vẫn ổn thì bắt buộc bệnh nhân đó phải chờ vì chúng tôi phải can thiệp cho những bệnh nhân khác vì nếu không can thiệp bệnh nhân sẽ chết....”

Bạo hành nhân viên y tế không nhất thiết là sự động chân động tay, mà những bạo hành bằng lời nói cũng tác động rất lớn đối với sức khỏe tinh thần của các y, bác sỹ. Một kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh ở bệnh viện tuyến cuối đã có những lúc muốn bỏ việc vì áp lực quá lớn từ phía người bệnh.

Tâm lý đi viện, nhất là phải vào khoa cấp cứu sẽ khiến bệnh nhân và thân nhân đi cùng lo lắng, sốt ruột, mong muốn bác sỹ phải xử trí ngay. Thế nhưng ít ai nhìn rộng ra xung quanh để hiểu rằng bên cạnh mình đang có những người phải thở máy, có người đang chảy máu ồ ạt, có người mất dấu hiện sinh tồn...để cảm thông và hợp tác với các y bác sĩ...