Trong cuộc chiến với bệnh tật, người bệnh không đơn độc. Bên cạnh họ luôn là gia đình – những người âm thầm hy sinh từng giấc ngủ, từng bữa ăn, từng khoảnh khắc riêng để đồng hành. Nhưng ít ai để ý rằng, chính người nhà bệnh nhân cũng đang oằn mình gánh áp lực – vừa chăm sóc thân thể người thân, vừa phải giữ vững tinh thần chính mình.
Nhận ra những gánh nặng ấy, một nhóm sinh viên Đại học Y Hà Nội đã khởi xướng Dự án "Tell Me" – một hành trình sẻ chia, đồng hành cùng những người đang đứng ở vị trí "người chăm sóc" nhưng lại thường bị bỏ quên trong hệ thống y tế.
"Tell Me" – khoảng trống được lấp đầy bằng sự thấu cảm
Chia sẻ trong một buổi sinh hoạt của dự án, Ngô Văn Thông - một thành viên của Dự án xúc động nói:
"Chúng cháu được tiếp xúc với bệnh nhân, cảm nhận được phần nào nỗi đau của họ. Bản thân cháu cũng từng là người nhà chăm bệnh – bố cháu bị ung thư. Chúng cháu hiểu những trăn trở thầm lặng của các bác, các cô chú. Vì thế, chúng cháu muốn góp sức để hỗ trợ tinh thần cho người nhà – những người cũng đang chiến đấu không kém gì bệnh nhân."
Bác sĩ Đỗ Tuyết Mai – chuyên gia tâm lý tại Bệnh viện K Tân Triều – nhìn nhận rõ hơn về điều này:
"Rất nhiều người nhà bệnh nhân mất ngủ, kiệt sức, nhưng không dám nói ra. Họ sợ rằng nếu họ gục ngã, ai sẽ là chỗ dựa cho bệnh nhân? Gánh nặng tâm lý ấy là thứ vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm."
“Tell Me” – nói ra để thấu hiểu, chia sẻ để vơi đi gánh nặng
Tên dự án - “Tell Me” (tạm dịch: Hãy nói với tôi) - chính là thông điệp cốt lõi: chỉ khi người nhà được lắng nghe, được chia sẻ, họ mới có thể nhẹ lòng, từ đó tiếp tục trở thành chỗ dựa vững chắc cho người thân đang điều trị.
Nguyễn Lâm Minh Đức, đại diện dự án chia sẻ: "Người nhà thường xuyên bị bỏ quên trong hành trình điều trị. Họ không chỉ chăm sóc thể chất mà còn phải là điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân. Nhưng nếu chính họ suy sụp, hiệu quả điều trị cũng sẽ bị ảnh hưởng. "Tell Me" ra đời để lấp vào khoảng trống ấy – nơi người nhà được quan tâm, được hỏi han và được chữa lành."
Tại những buổi sinh hoạt do "Tell Me" tổ chức, các hoạt động như vẽ túi canvas, yoga cười hay những buổi trò chuyện nhóm không chỉ giúp bệnh nhân và người nhà thư giãn, mà còn trở thành nơi giãi bày, đồng cảm và kết nối.
Khoảnh khắc khiến cả nhóm "Tell Me" không thể quên, là khi một cặp vợ chồng cùng nhau vẽ túi tại Khoa Ngoại Vú. Người chồng vẽ dòng chữ: "K là khỏe. K là không sợ gì nữa cả"
Sự kiên cường ấy chính là động lực để dự án tiếp tục hành trình của mình.
Không chỉ là lắng nghe, Tell Me còn là hỗ trợ chuyên sâu
Không dừng lại ở những buổi sinh hoạt tinh thần, Tell Me còn xây dựng một bộ công cụ đánh giá sức khỏe tâm thần trên nền tảng trực tuyến, giúp người dùng tự kiểm tra và được kết nối đến đúng chuyên gia phù hợp.
Dự án có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ, giảng viên từ Trường Đại học Y Hà Nội trực tiếp tham gia hỗ trợ. Những trường hợp được đánh giá có nguy cơ cao về tâm lý sẽ được giới thiệu đến các hoạt động chăm sóc chuyên biệt – từ tư vấn cá nhân đến trị liệu tinh thần.
Ban đầu, “Tell Me” triển khai chủ yếu tại Bệnh viện K Tân Triều – một trong những nơi có lượng bệnh nhân ung thư và người nhà đông đảo, thường xuyên túc trực ngày đêm. Tuy nhiên, với kết quả tích cực từ các hoạt động ban đầu, nhóm dự án đã và đang lên kế hoạch mở rộng sang các bệnh viện khác, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương có lượng bệnh nhân lớn
Một điểm đặc biệt của “Tell Me” là mở rộng cánh cửa cho tất cả mọi người. Dự án không chỉ chờ đợi sinh viên y hay chuyên gia tâm lý, mà còn kêu gọi sự tham gia từ: Tình nguyện viên – những người muốn góp sức tổ chức các hoạt động, lắng nghe, hỗ trợ người nhà bệnh nhân một cách trực tiếp; chuyên gia tâm lý, bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn – để xây dựng các phương pháp can thiệp hiệu quả, đúng chuyên ngành; người từng trải qua hoàn cảnh tương tự – từng chăm người thân trong bệnh viện, từng kiệt sức, từng bất lực, từng không biết chia sẻ cùng ai…