Không phải ngẫu nhiên mà nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng được bà con làng Xuân Phả coi là “linh hồn” của Đội múa truyền thống Xuân Phả. Hơn 40 năm theo đuổi việc gìn giữ điệu múa cổ của cha ông, cũng là chừng ấy năm ông miệt mài với hành trình lưu giữ hồn di sản. Để đến hôm nay, trò diễn Xuân Phả không chỉ là tích trò cổ nghìn năm tuổi lưu dấu quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn được xem là nét văn hóa đặc sắc, “độc nhất vô nhị” – niềm tự hào xứ Thanh, nức tiếng gần xa.

"Đây là những điệu múa vừa mang tính lịch sử vừa mang tính văn hóa rất cao trong cộng đồng dân cư, được bà con Xuân Phả lưu truyền từ đời này qua đời khác đến ngày hôm nay. Từ niềm tự hào đó, bà con Xuân Phả chúng tôi ở khắp mọi nơi, dù đang sinh sống, làm việc ở đâu cũng đều luôn nhớ về. Từ các cháu nhỏ đến cụ già đều tham gia rất là vui, với tinh thần bảo tồn, truyền dạy". Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng chia sẻ.
Việc duy trì Đội múa truyền thống Xuân Phả chủ yếu bởi tâm huyết của các thành viên trong Đội. Các nghệ nhân ngày ngày bươn chải với ruộng đồng, lúc rảnh rỗi, khi có việc lại “đóng vai” những diễn viên thực thụ, tụ tập, giao lưu cùng nhau, vui với nghệ thuật truyền thống của cha ông, lan tỏa niềm vui đến với mọi người.

Cứ thế, trò diễn Xuân Phả theo chân những “diễn viên chân đất” đi muôn nơi, từ Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM rồi Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội… Từ năm 2016, điệu múa độc đáo - trò diễn Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, càng khiến cho những thành viên của Đội như bà Đỗ Thị Hảo thêm tự hào. "Cả nước duy nhất Thanh Hóa chúng tôi có trò diễn Xuân Phả này, thích lắm, tự hào lắm. Chỉ mong có thể bảo tồn, lưu giữ mãi nét văn hóa truyền thống cha ông để lại".

Chuyện kể rằng, thời vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu gọi. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn, buộc phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ở ven sông.
Đêm đến, thần Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng bày cách đánh giặc. Sau này, theo cách đó, quả nhiên giặc bị tiêu diệt, đất nước trở lại bình yên.
Để tỏ lòng biết ơn, nhà vua cho lập đền thờ, ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất mang tên làng Xuân Phả.
Từ tích trò cổ, đến hôm nay, trò diễn Xuân Phả đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
"Chúng tôi rất mừng khi Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nên là bản thân chúng tôi cũng phải luôn cố gắng làm sao để duy trì. Ngoài việc tích cực tham gia biểu diễn, chúng tôi còn tổ chức truyền dạy cho các cháu, để các cháu biết được văn hóa quê hương mình - cũng là di sản quốc gia". Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Lương, một thành viên trong Đội múa truyền thống Xuân Phả chia sẻ.

Trò diễn Xuân Phả xuất phát là điệu múa trong cung đình, sau đó được truyền dạy ra dân gian, gồm 5 điệu: Hoa Lang, Chiêm Thành, Tú Huần, Ai Lao và Ngô Quốc. Đây được xem là tổng hợp các loại hình nghệ thuật: múa, hát, âm nhạc và trang phục biểu diễn. Âm thanh vui nhộn từ những chiếc trống, thanh la, mõ, xênh tre... kết hợp với động tác múa lúc uyển chuyển, nhịp nhàng, khi lại mạnh mẽ, khỏe khoắn khiến trò diễn trở nên vô cùng độc đáo và đặc sắc. Thông qua đó để tái hiện cuộc sống sinh hoạt của người dân, lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất...
"Mong muốn lớn nhất của bà con Xuân Phả hôm nay, đó là làm sao để trò diễn Xuân Phả có thể đến gần hơn với tất cả mọi người, để những cái hay, cái đẹp của di sản quý này được truyền lại cho thế hệ mai sau, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của địa phương". Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng bày tỏ.
Trò diễn Xuân Phả hôm nay đã vượt ra khỏi không gian làng quê xứ Thanh để góp mặt trong nhiều sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước như: Lễ hội chào thiên niên kỷ mới, Lễ hội Lam Kinh, Festival Huế, Năm Du lịch Quốc gia...
Tích trò cổ nghìn năm tuổi “độc nhất vô nhị” – vốn văn hóa di sản quý giá ấy sẽ mãi là niềm tự hào xứ Thanh.
(Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN)