Nếu như trước đây kinh phí dành cho hoạt động phòng chống HIV/AIDs của nước ta bị lệ thuộc đến 80% vào viện trợ quốc tế thì từ năm 2013 chúng ta đã phải thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác này.

Sau khi các nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm, ngày 15/10/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899 phê duyệt đề án đảm bảo tài chính, tăng dần tỷ trọng các nguồn kinh phí trong nước cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

Sau 10 năm thực hiện Đề án, chúng ta đã đạt được một số kết quả hết sức ấn tượng. Cụ thể: tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51% trong đó tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS tăng từ 8% lên 17%.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam khi chiếm tới 25% nguồn lực trong nước. Trung bình mỗi năm Quỹ này chi trả 400 tỷ đồng cho dịch vụ khám và điều trị HIV/AIDS. Các nguồn xã hội hóa khác cũng tăng đáng kể lên tới 8%.

Tuy nhiên khó nhất hiện nay là các hoạt động liên quan đến công tác dự phòng. Hình thái lây nhiễm và đối tượng lây nhiễm đã có nhiều thay đổi buộc chúng ta phải có đẩy mạnh các biện pháp dự phòng nhưng việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực này không hề dễ dàng. TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: "Chúng ta có nguồn BHYT cho điều trị, nhưng lĩnh vực dự phòng cũng quan trọng không kém, nếu chúng ta bỏ qua công tác dự phòng thì thành quả chống dịch thời gian qua khó có thể đảm bảo…."

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về bảo đảm nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình.

“Nguồn lực huy động dự kiến giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu”, Thứ trưởng thông tin.

Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tình hình dịch vẫn có xu hướng phức tạp. Số người nhiễm HIV được báo cáo tăng cao trong 3 năm trở lại đây với hơn 13.000 trường hợp, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới.

Một số tỉnh, khu vực vẫn còn nhiều nguy cơ cao về bùng phát dịch trở lại như Đồng bằng sông Cửu long, miền Đông Nam bộ.

Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện quỹ BHYT sẽ không chi trả.

Quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, nhiều giải pháp đã được đặt ra trong đó có việc 100% các địa phương phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch và đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2021.

Tuy nhiên đến nay là cuối năm 2022 vẫn còn tới 12 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt kế hoạch này. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Liên Hương đề nghị 12 địa phương này cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ trưởng đề nghị các vụ, cục liên quan cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục và ổn định bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT.

“Bộ Y tế giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các vụ, cục có liên quan trong Bộ Y tế trình Chính phủ cơ chế và hành lang pháp lý thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức cộng đồng, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.