Theo lịch hẹn của bác sĩ, chị Nguyễn Thu Huế, 30 tuổi ở phố Hàng Bài, Hà Nội đi khám thai. Được bác sĩ thông báo, thai nhi đã được 33 tuần tuổi và lên được 1800gr, tất cả các số đo đều phát triển tốt, chị thở phào nhẹ nhõm. Bởi trước đó là những chuỗi ngày chị luôn thấp thỏm, âu lo.

Chị Huế mang thai đã 3 lần. Con gái đầu sinh nhẹ cân phải nuôi trong lồng ấp 1 tuần, đến con thứ 2 thì bị thai lưu không rõ nguyên nhân nên sang lần mang thai này, chị đã chịu không ít áp lực. Cố gắng nghỉ ngơi, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ là việc mà chị luôn tuân thủ từ khi bắt đầu mang thai.

Thế nhưng khi mẹ đã tăng gần 20kg rồi, ngày càng béo phì mà cân nặng của thai nhi vẫn không phát triển được là bao khiến chị lo lắng đi khám nhiều nơi, cho đến khi đi khám ở BV Phụ sản Trung ương, bác sĩ theo dõi, điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, tình hình của thai nhi mới bắt đầu cải thiện.

“Tôi thăm khám nhiều nơi rồi. Đúng ra thì nên chọn một bác sĩ thôi, đi khám nhiều bác sĩ thì hoang mang, cho đến bây giờ thì may mắn” – Chị Huế chia sẻ.

Theo BS Phan Chí Thành – Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo, BV Phụ sản Trung ương, trường hợp thai nhi có trọng lượng nhỏ hơn so với tuổi thai của chị Nguyễn Thu Huế chưa đáng lo ngại, vẫn trong giới hạn cho phép. Quan trọng là chị Huế cần đi khám thai, theo dõi thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường của thai nhi.

Trọng lượng của thai nhi ở mức nào được coi là vượt quá giới hạn cho phép?

BS Phan Chí Thành cho biết, trọng lượng của thai nhi được tính bằng phần trăm trên biểu đồ tăng trưởng. Theo đó, nếu thai nhi nằm trong phạm vi từ 10-90% thì được coi là bình thường. Nếu thai nhi lớn hơn 90% thì có nguy cơ thai to, còn dưới 10% thì có khả năng thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai.

"Các công thức tính phần mềm tuổi thai và cân nặng của thai nhi ước lượng trên 3 chỉ số chính. Một là kích thước đầu của thai nhi, thứ hai là kích thước bụng của thai nhi và thứ ba là xương đùi của thai nhi. Từ đây người ta ước lượng cân nặng của thai nhi và chia ra các thể của thai nhi kích thước nhỏ. Ví dụ thai nhi kích thước nhỏ toàn diện có nghĩa cả bụng, đùi và đầu đều nhỏ thì người ta gọi là thai nhi kích thước nhỏ cân đối toàn diện. Còn trường hợp thai nhi kích thước nhỏ cụ thể như nhỏ do vòng bụng kích thước nhỏ và có thể thai nhi xương đùi ngắn hay kích thước đầu nhỏ, những yếu tố đó đều ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi” – BS Phan Chí Thành thông tin.

Do đó, nếu chỉ có chỉ số cân nặng của thai nhi là nhỏ vẫn chưa thể đưa ra tiên lượng cụ thể. Việc đánh giá thai nhi còn phụ thuộc vào các chỉ số đo vòng bụng, đầu và xương đùi.

Thai nhi có trọng lượng nhỏ - khi nào đáng lo ngại?

Nếu thai nhi nhỏ dưới 3%, các bác sĩ sẽ làm thăm dò cụ thể để đánh giá thai nhi.

- Xác định gen, di truyền, nhiễm sắc thể của thai nhi.

- Xem xét về mặt dinh dưỡng của thai nhi, liệu dòng máu truyền từ mẹ sang con có gặp trục trặc và vấn đề gì không?

BS Phan Chí Thành cho rằng, quan trọng là các mẹ siêu âm thai phát hiện con nhỏ vào thời điểm nào bởi vì thường không phải thai nhi đã nhỏ ngay từ lúc bắt đầu mang thai mà hay gặp từ quý 2, 3 của thai kỳ. Thời điểm thai nhi xuất hiện càng sớm so với tuổi thai thì yếu tố tiên lượng càng xấu hơn. Ví dụ có những mẹ ở quý 3 bắt đầu thấy thai nhỏ, không tăng cân và sau đó thai nhi chững dần càng nhỏ hơn, không phát triển hơn nữa thì đó là giai đoạn thứ 3 của thai kỳ.

Ở giai đoạn thứ 3, các mẹ thường gặp vấn đề rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường thai kỳ, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng mỡ máu thì đều ảnh hưởng đến việc vận chuyển chất từ mẹ sang con.

Cũng ở giai đoạn này, bánh rau bắt đầu hoạt động kém đi trong khi nhu cầu trao đổi chất của thai nhi ngày càng tăng thêm thì đó cũng là yếu tố dễ làm cho thai nhi có nguy cơ nhỏ hơn so với tuổi thai.

Nhưng ngược lại, thai nhỏ hơn, xuất hiện ngay từ quý 2 của thai kỳ, có trường hợp từ tuần 17, 18 thì có nguy cơ ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền hơn là các bệnh lý của thai nhi.

Các mẹ làm gì khi trọng lượng của thai nhi nhỏ hơn tuổi thai?

Khi được chẩn đoán thai nhi có trọng lượng nhỏ hơn so với tuổi thai, các mẹ đừng quá lo lắng mà ra sức tẩm bổ dinh dưỡng. Theo BS Phan Chí Thành, việc làm đó là không có tác dụng, chỉ khiến cho các mẹ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

“Khi rối loạn mỡ máu, dòng máu từ mẹ sang con chậm thì đương nhiên con tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và chậm phát triển trong tử cung. Đây là lý do khiến người mẹ tăng cân nhiều mà gần như không vào con tý nào. Các mẹ bầu phải ưu tiên ăn nhiều rau củ quả” – BS Phan Chí Thành nhận định.

Vì vậy, việc nên làm của các mẹ lúc này là ăn theo chỉ định của bác sĩ, khám thai, theo dõi ở cơ sở y tế giàu kinh nghiệm trong việc theo dõi thai nhi nhỏ hơn tuổi thai và theo dõi sản bệnh để nếu phát hiện có nguy cơ suy thai trong bụng mẹ thì có biện pháp can thiệp, xử trí kịp thời.

Tiếp theo, khi đi sinh, các mẹ nên chọn cơ sở y tế không chỉ giỏi về sản khoa mà còn giỏi về chăm sóc trẻ sơ sinh.