Trường hợp đình chỉ thai do thai trứng bán phần

Chị N.B.H ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái mang thai hồi tháng 6 vừa qua. Ở tuổi 39, biết tin có thai tự nhiên khiến cả hai vợ chồng mừng khôn xiết, thế nhưng vui chưa được bao lâu thì chị bị thai lưu. Nhưng khi đi khám, do nghi ngờ về hình thái của thai nên bác sĩ ở tuyến huyện khuyên chị lên tuyến trên khám lại. Đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội siêu âm thai cho thấy hình ảnh thai trứng bán phần.

Xét nghiệm máu cho thấy nồng độ beta vẫn ở mức cho phép nên chị N.B.H chỉ phải uống thuốc rồi được ra viện. Nhưng không lâu sau đó, đi khám lại chỉ số beta lại tăng lên một cách bất thường. Chị H. lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám lại được bác sĩ thông báo gai rau tiếp tục mọc lên.

“Lúc đầu em bệnh nhẹ, em uống thuốc để tự xuống, nửa tháng xuống kiểm tra beta một lần, 2 tuần sau xuống kiểm tra lại tăng beta. Cái chân nó mọc lại thành khối to. Bác sĩ cho hút lần nữa” – Chị H. kể lại.

Kể từ khi đó, mỗi tháng đôi lần, chị thường xuyên phải xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tiêm và truyền hóa chất phòng ngừa bệnh biến chứng thành ung thư.

Hiện, nồng độ beta về âm tính, chị Hạnh có thể tạm thời yên tâm quá trình điều trị vừa qua đã có hiệu quả, song vẫn có nguy cơ tái phát trở lại bất cứ lúc nào, do đó việc tái khám định kỳ vẫn không thể chủ quan.

Chửa trứng có nguy cơ chuyển biến thành ung thư

PGS.TS Lê Thị Anh Đào - Trưởng khoa phụ nội tiết A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Thông thường, trứng được thụ tinh sẽ phát triển thành phôi thai, tim thai và có các thành phần như gai nhau, túi ối, nhau. Tuy nhiên, với trường hợp thai trứng, nhau thai của thai bị thoái hóa nước. Các gai nhau đó bình thường rất xốp mịn, khi bị thoái hóa thành nước tức là các gai nhau đó chứa đựng toàn nước, biến thành những hạt nhỏ trông như hạt trứng ếch, khi thoái hóa nước to hơn thì thành những chùm nho thì hiện tượng đó gọi là thai trứng.

Có hai loại thai trứng là chửa trứng bán phần và chửa trứng toàn phần. Thai trứng toàn phần là toàn bộ gai nhau đều bị thoái hóa nước hết, còn thai trứng bán phần là vẫn có 1 phần phát triển một phần thành phôi thai và phần còn lại phát triển thành thoái hóa nước như thế. Các tiên lượng về thai trứng bán phần thường là không tốt.

“Cấu trúc của thai sẽ bị ảnh hưởng bởi vì chửa trứng thường đi kèm với bất thường nhiễm sắc thể, các phôi thai đó có bất thường có 3 nhiễm sắc thể hoặc là thậm chí có 4 nhiễm sắc thể. Tức là bộ nhiễm sắc thể gấp đôi gấp 3 lên thành bộ 69 nhiễm sắc thể. Bản chất như vậy nên nếu có phôi thai đi kèm trong trường hợp thai trứng bán phần thì thường những phôi thai đó cũng mất tim thai, lưu thai, rất ít khi trở thành em bé khỏe mạnh được” - PGS.TS Lê Thị Anh Đào giải thích về những trường hợp chửa trứng bán phần phải bỏ thai.

Về nguyên nhân thai bị nhiễm sắc thể bất thường, PGS.TS Lê Thị Anh Đào giải thích:“Có nhiều lý do nhưng người ta nhận thấy có yếu tố địa lý như vùng Châu Á da vàng, tỷ lệ bị thai trứng rất cao, trong khi những người da trắng thì lại không có tỷ lệ này, những người có điều kiện kinh tế thấp thì có nguy cơ cao hơn”.

Do vậy, chửa trứng là bệnh nguy hiểm, những phôi thai đó thường không phát triển thành thai bình thường, thậm chí nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến sẩy thai, người mẹ bị băng huyết dẫn tới nguy kịch đến tính mạng.

Phương pháp điều trị chửa trứng hiện nay sẽ là hút thai. Tuy nhiên, điều đó chưa có nghĩa là người bệnh đã yên tâm mà cần phải theo dõi và điều trị thêm một thời gian khá dài bởi vì bệnh cũng có nguy cơ chuyển biến thành ung thư nguyên bào nuôi.

“Bản thân những thai trứng đó nếu sau khi hút rồi thường bị sót thai trứng nên phải theo dõi chặt chẽ, thậm chí phác đồ là phải hút thai trứng 2 lần. Có khoảng 25% trường hợp thai trứng sau khi hút có nguy cơ biến chuyển thành bệnh lý ung thư, đó là bệnh lý ung thư nguyên bào nuôi là tình huống khá nguy hiểm đối với cả người bệnh. Ung thư nguyên bào nuôi không phải là trường hợp ung thư nặng nhất nhưng dẫu sao những người bị chửa trứng cũng phải theo dõi rất chặt chẽ. Sau khi hút thai trứng rồi phải theo dõi Beta HCG, siêu âm, thăm khám hằng tháng, quá trình theo dõi là 12 tháng và tuyệt đối tránh thai trong thời gian này. Đối với người có con rồi, tuổi từ 45 trở lên mà có thai trứng thì có cách thứ hai điều trị triệt để hơn là cắt luôn cả tử cung đi để tránh hiểm họa bị ung thư tế bào nuôi” – PGS. TS Lê Thị Anh Đào khuyến cáo.

Vì vậy, nếu có các triệu chứng: khi có dấu hiệu có thai kèm các biểu hiện sụt cân nhiều và nhanh, nôn nhiều, không ăn uống được, ra máu âm đạo dai dẳng… thì nên đi khám, siêu âm để phát hiện và điều trị sớm.

Xin mời nghe bài viết tại đây: