Theo thống kê, ở nước ta, cứ 3 người ở độ tuổi ngoài 40 thì có một người bị thoái hóa khớp gối. Trước đây, bệnh thoái hóa khớp gối thường xuất hiện ở người cao tuổi nhưng hiện nay không ít người chưa đến 30 tuổi đã mắc bệnh. Theo thống kê có khoảng 10% tình trạng thoái hóa khớp gối xảy ra ở người dưới 26 tuổi; độ tuổi từ 27 đến 45 là hơn 25% và từ 46- 60 tuổi lên tới 50%.

BS Trần Nam Chung - Phó Trưởng khoa xương khớp, Bệnh viện E khuyến cáo: nếu lạm dụng thuốc chống viêm, giảm đau khớp gối thì biến chứng, tác dụng phụ càng tăng lên nhiều: “Đầu tiên liên quan đến dạ dày, chảy máu dạ dày, tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ hô hấp, co thắt mạch vành, co thắt cơ ở phổi. Bản thân bị hen phế quản, phổi tắc nghẽn.. thì bản thân sử dụng nhóm thuốc này có nguy cơ, ảnh hưởng đến đường hô hấp, tình trạng nặng lên hoặc nó dẫn đến bệnh lý tim mạch, như nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành nên sử dụng thuốc phải cân nhắc”.

Về nguyên nhân bệnh xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn, BS Trần Nam Chung cho rằng, phụ nữ ngoài đặc điểm về hormone của cơ thể qua độ tuổi khác nhau, còn có tình trạng mãn kinh ở phụ nữ sau 55 tuổi. Phụ nữ trải qua nhiều vấn đề: mang thai, làm việc nhà hoặc những công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, thay đổi vị trí nhiều, đặc biệt phụ nữ hay phải ngồi xổm, thì bị ảnh hưởng bởi động tác này rất nhiều. “Nhiều người tăng cường tập thể dục nhưng cố gắng tăng tốc, chạy bộ quá mức, tập thể thao quá gấp gáp, cường độ quá lớn, tập 2-3 ca trong một ngày thì gây nên tình trạng quá tải dẫn đến thoái hóa khớp gối” – BS Trần Nam Chung cho biết thêm.

Nếu để lâu hoặc điều trị không đúng cách, bệnh thoái hóa khớp gối có thể khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi vận động, bị các biến chứng như rách sụn trên, đứt dây chằng, nguy cơ ngã, bị chấn thương cột sống, thậm chí là mất chức năng vận động. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, các triệu chứng bệnh sẽ giảm đáng kể.

Vì vậy, BS Trần Nam Chung gợi ý một số dấu hiệu người bệnh nên đi khám sớm: “Biểu hiện đầu tiên là cảm giác không thoải mái, không trơn tru khi vận động khớp. Cấu trúc sinh lý cho khớp là đảm bảo được cho việc vận động, cử động trơn tru, mềm mại, không đau, hạn chế khi vận động. Biểu hiện đầu tiên dễ nhận thấy là đang ngồi mà đứng lên nghe tiếng lục khục ở trong. Thậm chí nặng hơn nữa thì cảm giác nhức mỏi, khó chịu, ê ẩm ngay cả khi làm việc không quá nặng. Lâu dần người bệnh ngại vận động thì đó là biểu hiện sớm của bệnh lý thoái hóa khớp, ngại khi đi lại, người nặng hơn thì không ngồi sổm, không đi lại được”.

Người bệnh lưu ý là dù lúc này việc đi lại không thoải mái nhưng vẫn nên duy trì, tập thể dục đều đặn. Những bộn môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh, yoga.. được khuyến khích thực hiện vì vừa giúp cho xương khớp được dẻo dai vừa giảm áp lực lên khớp gối.