Bệnh tăng nhãn áp Glôcôm (hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống) là bệnh lý ở đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh được đánh giá là nguy hiểm vì không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương thị giác đã gây ra. Do đó, Glôcôm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mù loà trên Thế giới.

Glôcôm có thể xuất phát từ một hoặc nhiều nguyên nhân sau:

- Sử dụng thuốc có thành phần corticoid, steroid trong thời gian dài.

- Biến chứng từ bệnh tiểu đường, cao huyết áp, viêm màng bồ đào, các chấn thương ở mắt,…

- Bệnh nhân bị bệnh đục thể thuỷ tinh ở giai đoạn cuối gây biến chứng tăng nhãn áp.

Những người có nguy cơ cao mắc Glôcôm:

- Người có nhãn áp cao trên 25 mmHg.

- Những người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người thân bị Glocom.

- Người có nhãn cầu nhỏ như bị cận thị, viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông.

- Những người dễ xúc cảm, hay lo âu.

Tuỳ vào thể bệnh mắc phải mà bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau như:

– Mắt đau nhức dữ dội, đau lan lên đỉnh đầu, nôn và buồn nôn.

– Nhãn cầu căng cứng như hòn bi.

– Mắt đỏ, mi nề, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.

– Thị lực bệnh nhân giảm nhanh thậm chí mất hẳn, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn vào các vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị đau bụng, tiêu chảy, vã mồ hôi,…

- Đôi khi xuất hiện những cơn đau nhức mắt, nhức đầu thoáng qua kèm nhìn mờ.

Trong nhiều trường hợp, bệnh Glôcômcó thể không có triệu chứng.

Glôcôm là bệnh có thể gây mù vĩnh viễn, do đó, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi thần kinh thị giác chưa bị tổn thương nhiều sẽ giúp gia tăng khả năng bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Khi có một hay cùng lúc xuất hiện nhiều triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt để kiểm tra và chẩn đoán sớm. Đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ cao , việc đi khám mắt định kỳ là vô cùng quan trọng và cần thiết.