Nhiều năm nay, mỗi tháng 1 lần, bà Trần Thị Nga, 70 tuổi ở Hà Nội lại phải đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, theo dõi diễn biến của các bệnh lý mạn tính cũng như điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Không chỉ mắc bệnh tăng huyết áp, bà Nga còn bị bệnh tiểu đường, tim mạch. Tuổi già sống chung với bệnh tật nên nhiều khi bà Nga cũng cảm thấy buồn phiền.

Theo TS-BS Trần Viết Lực – Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người cao tuổi ở nước ta thường mắc từ 2 -3 bệnh lý trở lên, chủ yếu là bệnh mạn tính. Hiện nay, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường đã được đưa về tuyến y tế cơ sở, giúp người cao tuổi được quản lý và điều trị ngay tại cộng đồng. Tuy nhiên, các bệnh lý phức tạp như sa sút trí tuệ, Parkison...thì chưa thể triển khai tại cộng đồng do tuyến y tế cơ sở chưa đủ năng lực chẩn đoán và điều trị các bệnh lý này. Bhả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở nước ta hiện vẫn còn hết sức hạn chế.

“Theo Thông tư số 35 ngày 31/1/2021 của Bộ Y tế, tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên đều phải thành lập khoa lão. Tuy nhiên, hiện số lượng bác sĩ được đào tạo về chuyên ngành lão khoa còn rất ít. Nhân viên làm việc trong các khoa lão tại các bệnh viện tuyến tỉnh hiện tại chưa đủ kiến thức cũng như chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành lão khoa. Vì vậy, khi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề chẩn đoán, theo dõi và chỉ định can thiệp một cách phù hợp” – BS Trần Viết Lực nhận xét.

Mặt khác, đời sống vật chất của người cao tuổi ở nước ta nay còn nhiều khó khăn. Đặc biệt những trường hợp sống ở vùng sâu vùng xa, không có thu nhập hàng tháng nên không có điều kiện thăm khám sức khỏe định kỳ. Do đó, đa số bệnh nhân cao tuổi được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc điều trị khó khăn và tốn kém.

Theo Tổng cục Thống kê, Nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023. Dự báo, từ năm 2056 đến 2069, Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số siêu già tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%.

Để cải thiện sức khỏe người cao tuổi, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề cập và đưa ra những mục tiêu cụ thể về chăm sóc người cao tuổi, trong đó có chăm sóc y tế. Nhà nước đã có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đối với người từ 80 tuổi trở lên. Tuy nhiên, để ứng phó với vấn đề già hóa dân số cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, theo TS – BS Trần Viết Lực, hệ thống y tế cần được củng cố và có những thay đổi phù hợp với thực tế.

“Đầu tiên, chúng ta phải phát triển mạng lưới hệ thống lão khoa trong cả nước theo ngành dọc, tức là từ tuyến cơ sở trở lên. Chúng ta cần phải đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu về những bệnh lý đơn giản, thông thường mà người cao tuổi hay mắc để có thể tư vấn về mặt sức khỏe cho người cao tuổi đi khám sớm hơn; đồng thời có thể điều trị những bệnh lý đơn giản của người già một cách hiệu quả và phù hợp.” – BS Trần Viết Lực nói.

Trước thực trạng khả năng cũng như điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế của người cao tuổi rất hạn chế, TS – BS Trần Viết Lực đề xuất nên đưa khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi vào danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế. Đồng thời, nếu hạ thấp độ tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí xuống 75 tuổi hoặc 70 tuổi thì số lượng người cao tuổi được tham gia bảo hiểm y tế sẽ nhiều hơn và khả năng tiếp cận y tế cũng sẽ dễ dàng hơn.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành y tế mà cần có sự chung tay của gia đình và xã hội. Theo bác sĩ Mai Xuân Phương – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số (nay là Cục Dân số), Bộ Y tế việc ban hành những chính sách thoả đáng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều cấp thiết lúc này. “ Đảng và Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành lão khoa; các chính sách hướng đến tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Ban lãnh đạo các đơn vị trong ngành y tế về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi chăm sóc người cao tuổi.” – BS Mai Xuân Phương nêu ý kiến.

Cùng với đó, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, tổ chức các câu lạc bộ sức khỏe cho người cao tuổi, đào tạo đội ngũ tình nguyện viện, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ chăm sóc người già tại nhà, mở rộng và xây dựng các trung tâm dưỡng lão… cũng là những nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm để thích ứng với già hóa dân số.