Theo BS Nguyễn Hoài Thu – Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn VIAM Clinic thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam, kẽm là vi chất, tuy nhu cầu đối với cơ thể hàm lượng nhỏ thế nhưng kẽm lại có “võ”.
“Kẽm là vi chất tham gia vào tổng hợp 300 enzym trong cơ thể, tham gia vào quá trình tổng hợp, chuyển hóa các tế, liên quan đến miễn dịch về tăng trưởng, thậm chí là các vấn đề về sinh sản… nên vai trò của kẽm rất quan trọng, không chỉ với trẻ nhỏ mà với cả người lớn nữa” – BS Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh.
Hiện có khoảng 30% người Việt bị thiếu kẽm. Thế nhưng BS Nguyễn Hoài Thu cho rằng thực tế thì còn số còn lớn hơn nhiều, nhất là ở trẻ em.
Nếu bị thiếu kẽm, trẻ sẽ chậm tăng trưởng về cân nặng, chiều cao, biếng ăn, quấy khóc, rụng tóc và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Còn người lớn thiếu kẽm sẽ suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làn da và tóc…
Về nguyên nhân thiếu kẽm, theo BS Nguyễn Hoài Thu, phần lớn do thói quen ăn uống của người Việt thiếu những thực phẩm liên quan đến nguồn gốc động vật, thủy hải sản. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã tác động đến hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến quá trình hấp thu kẽm kém.
“Không phải kẽm cứ ăn vào là có thể hấp thu được hết vì tỷ lệ hấp thu của kẽm chỉ từ 10-30%, bên cạnh đó thời gian lưu giữ kẽm trong cơ thể cũng thấp, chỉ từ 12,5 ngày nên việc hấp thu kẽm cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đấy có vòng xoáy bệnh lý, ví dụ như trẻ em mà biếng ăn thì chế độ ăn không thể đa dạng được thì kẽm bổ sung vào bữa ăn không đảm bảo, thiếu kém lại ảnh hưởng đến vị giác của con, lại gây ra tình trạng biếng ăn, chậm tăng trưởng lại thành vòng xoắn luẩn quẩn” – BS Nguyễn Hoài Thu cho biết.
Kẽm thường có trong thực phẩm liên quan đến động vật, tôm, cua, cá, thủy hải sản, các loại thực phẩm có giá trị sinh học cao, sữa, các loại hạt đậu đỗ nên mọi người có thể ưu tiên sử dụng những loại thực phẩm này. Tuy nhiên, lưu ý là bổ sung đa dạng, tránh thiên về một loại thực phẩm nào đấy thì cũng ảnh hưởng đến việc hấp thu các loại vi chất khác.
“Nhu cầu kẽm của cơ thể không cao. Nhu cầu bình thường cũng chỉ 2-5mg thôi nhưng việc chúng ta bổ sung một lượng quá cao trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng thừa và ngộ độc nên tùy tình trạng của người bệnh mà có liều bổ sung phù hợp, ai sẽ cần liều bổ sung dự phòng, ai cần liều điều trị thì tùy thuộc vào từng cá nhân” – BS Nguyễn Hoài Thu khuyến cáo.