Trần Mỹ Linh - bà mẹ trẻ lần đầu mang thai, đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Gần đây, Linh cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn. Linh chia sẻ: "em mới mang bầu thôi mà dạo này hay bị chóng mặt, nhức đầu. Da dẻ em xanh xao, không được hồng hào như trước. Em vốn tập trung tốt, mà giờ làm gì cũng dễ mất tập trung. Có hôm chóng mặt quá, em phải nghỉ giữa giờ làm việc".
Trước khi mang thai, Linh thỉnh thoảng cũng gặp tình trạng đau đầu, chóng mặt khi làm việc quá sức hoặc để bụng đói quá lâu. Nhưng từ khi có thai, những triệu chứng này xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn.
Linh lo lắng "em có nghe nói bị thiếu máu thì uống viên sắt, nhưng trước đây em uống bị táo bón, nên sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Giờ mệt mỏi nhiều quá, em không biết phải làm sao".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 30% dân số toàn cầu bị thiếu máu do thiếu sắt, trong đó phụ nữ mang thai là nhóm dễ bị nhất. Thống kê cho thấy gần 37% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới mắc tình trạng thiếu máu, đặc biệt là trong những tháng giữa và cuối thai kỳ.
BS CKII Nguyễn Thị Tuyết Mai, phụ trách phòng khám sản phụ khoa và sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, giải thích: cơ thể người mẹ khi mang thai cần tăng lượng máu lên từ 1,2 đến 1,5 lần để cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.
Nếu cơ thể không được bổ sung đủ sắt – thành phần chính tạo ra hemoglobin trong máu sẽ dẫn đến thiếu máu.
Các triệu chứng thiếu máu thường gặp ở mẹ bầu bao gồm da nhợt nhạt, môi kém hồng hào, cảm giác hoa mắt, chóng mặt, thậm chí khó thở khi vận động nhẹ. Những biểu hiện này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây ra nguy cơ suy dinh dưỡng ở thai nhi. Em bé thiếu máu trong bụng mẹ có thể phát triển kém, sinh ra nhẹ cân, và có sức đề kháng yếu. Thêm vào đó, khi sinh nở, người mẹ luôn mất một lượng máu đáng kể từ 300-500ml. Với phụ nữ đã thiếu máu sẵn, điều này có thể dẫn đến những nguy hiểm.
Bác sĩ Tuyết Mai khuyến nghị, để kiểm soát tình trạng thiếu máu thai kỳ, các mẹ bầu cần thực hiện thăm khám định kỳ và làm các xét nghiệm máu cơ bản để theo dõi nồng độ hemoglobin.
Việc bổ sung sắt là điều cần thiết đối với đa số phụ nữ mang thai, bởi chế độ ăn uống thông thường, dù giàu chất sắt, cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu tạo máu tăng cao. Các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, hải sản, rau lá xanh đậm cần được đưa vào thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó, bổ sung vitamin C từ trái cây như cam, chanh giúp cơ thể hấp thu sắt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ mang thai đều cần bổ sung sắt. Bác sĩ Tuyết Mai nhấn mạnh: "có một số trường hợp đặc biệt như tan máu bẩm sinh, khi mà lượng sắt trong cơ thể đã thừa. Việc bổ sung thêm sắt có thể gây hại. Do đó, việc bổ sung sắt cần dựa trên xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ”
Ngoài sắt, mẹ bầu cũng cần bổ sung acid folic để hỗ trợ sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi và canxi để giúp hình thành hệ xương khỏe mạnh cho bé – BS Mai thông tin.
Thiếu máu thai kỳ là một vấn đề phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát nếu mẹ bầu được chăm sóc đúng cách. Một chế độ dinh dưỡng cân đối và việc bổ sung vi chất hợp lý, mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho con yêu ngay từ trong bụng mẹ.
Mời nghe nội dung chi tiết tại đây: