Thiếu vitamin A và sắt đã được cải thiện nhưng thiếu kẽm vẫn ở mức độ nặng

Số liệu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ hơn 14% vào năm 2010 xuống còn 9,5%. Tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt giảm từ hơn 29% xuống còn 19,6%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 69% xuống còn 58%.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ thiếu vitamin A được xếp ở mức nhẹ, thiếu máu do thiếu sắt xếp ở mức trung bình. Tuy nhiên, tỉ lệ kẽm huyết thanh thấp ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức nặng. PGS.TS Bùi Thị Nhung -Trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mặc dù tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em của nước ta đã có sự cải thiện so với trước nhưng vẫn chưa đạt được các mục tiêu về cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng đã đề ra trong Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia 2011-2020.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, ở những vùng miền núi, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn thì tỷ lệ thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn khá cao.

Cụ thể, số trẻ từ 6-59 tháng ở miền núi bị thiếu máu chiếm đến hơn 26%. Nếu như ở thành thị, tỷ lệ vitamin A huyết thanh thấp chỉ chiếm 6,3% thì ở miền núi tỷ lệ này là 15%.Thiếu kẽm ở trẻ em từ 6-59 tháng tuổi ở thành thị là 49,6%; nông thôn là 58,4% trong khi tại miền núi lên đến 70,1%.

Hậu quả nghiêm trọng và lâu dài của thiếu vi chất dinh dưỡng

PGS.TS Bùi Thị Nhung phân tích, trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng có mối liên quan trực tiếp đến tình trạng suy dinh dưỡng – đặc biệt là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi hoặc thậm chí ngay cả ở những trẻ bị béo phì.

Đồng thời, vị chuyên gia về dinh dưỡng cũng nhấn mạnh: Suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần, thậm chí có thể dẫn đến tử vong là những hậu quả nghiêm trọng do thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra ở trẻ em.

Trẻ bị thiếu máu thường kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung và hay buồn ngủ. Nếu tình trạng thiếu máu nặng, trẻ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp và mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Phụ nữ đang mang thai thiếu máu sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, tăng tỷ lệ mắc bệnh của cả mẹ và bé, dễ bị băng huyết khi sinh.

Thiếu canxi dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ nhỏ và loãng xương ở người lớn. Khi cơ thể không cung cấp đủ canxi hoặc việc hấp thu canxi ở ruột giảm xuống, cơ thể buộc phải huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương.

Kẽm là chất xúc tác không thể thiếu của ARN-polymerase (một loại enzyme chuyên xúc tác quá trình tổng hợp các loại phân tử ARN từ gen), có vai trò quan trọng đối với quá trình nhân đôi ADN và tổng hợp protein thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Ngoài ra, kẽm có vai trò quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, hình thành các tổ chức. Trẻ thiếu kẽm sẽ biếng ăn, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao.

Vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da và niêm mạc. Trẻ em thiếu vitamin gây chậm lớn, còi cọc, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp; thiếu vitamin A trầm trọng dẫn đến khô loét giác mạc, mù lòa.

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng - còn đó những khó khăn

Nhiều năm qua, chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng ở nước ta đã được triển khai một cách bền bỉ, rộng khắp với sự tham gia của mạng lưới y tế từ thôn bản đến các cơ sở y tế dự phòng tuyến huyện, tuyến tỉnh và Viện Dinh dưỡng quốc gia.

PGS-TS Bùi Thị Nhung cho biết, các giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đã được thực hiện bao gồm:

- Uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Nhờ chương trình này, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng tới 36 tháng tuổi được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao một năm 2 lần vào ngày 1/6 và ngày 1/12.

- Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trong đó các thực phẩm như muối, nước mắm, nước tương (xì dầu), hạt nêm, dầu ăn, bột mì… được bổ sung iốt, sắt, kẽm, vitamin A và phân phối trên toàn quốc. Đây là một giải pháp trung hạn có tính ưu việt cao do có sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm và iốt vào dầu ăn, bột mỳ và muối. Người chăm sóc trẻ cần chủ động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe cho trẻ bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan quản lý liên quan.

- Đa dạng hóa bữa ăn sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Đây cũng là giải pháp chiến lược dài hạn cần phấn đấu đạt được và duy trì bền vững. Sử dụng đầy đủ các loại thực phẩm từ 8 nhóm thực phẩm, cân đối khẩu phần ăn, chú ý các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao..

- Chương trình giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được triển khai thường xuyên và đẩy mạnh thông qua các hoạt động dinh dưỡng được Chính phủ phê duyệt như Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia 2021-2030.

Tuy nhiên, tại những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn , thách thức để có thể giảm nhanh tỷ lệ trẻ bị thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Điều đầu tiên phải kể đến đó là các bà mẹ chưa có kiến thức, hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Nhất là tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều ông bố bà mẹ chưa biết tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có để chế biến bữa ăn, tô màu bát bột cho trẻ. Mặc dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn song khoảng cách từ nhận thức đến thực hành vẫn còn khá xa.

Khó khăn tiếp theo là do chương trình mục tiêu bị cắt 65% kinh phí nên thiếu nguồn cung cấp vitamin A cho trẻ em nghèo và hỗ trợ cho các vùng khó khăn cũng như không đủ kinh phí theo dõi hệ thống đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu vitamin A.

Việc giáo dục bà mẹ uống đủ viên sắt chưa được tổ chức thường xuyên để đảm bảo có sự tuân thủ cao và hiện nay đang thiếu kinh phí để làm truyền thông giáo dục khuyến khích phụ nữ mua và sử dụng viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất.

Đồng thời, vẫn còn người dân chưa hiểu về tác hại của thiếu vi chất dinh dưỡng và cách phòng chống nên chưa tự nguyện tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Việc thực hiện Nghị định 09/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chưa được triển khai quyết liệt, chưa có các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Nghị định.

Bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết cho trẻ thông qua chế độ ăn cần được quan tâm hàng đầu

Từ thực tế, PGS.TS Bùi Thị Nhung cho rằng, việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm uống bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế là cần thiết nhằm ngăn chặn “nạn đói tiềm ẩn” đang có nguy cơ ảnh hưởng tới tầm vóc và trí tuệ người Việt Nam.

Trong đó, cần ưu tiên các giải pháp trọng tâm như:

- Quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ.

- Dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng.

- Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con.

- Bà mẹ cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh để phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng, đa dạng hóa bữa ăn, thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống nhiễm giun, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng rất quan trọng vì nó liên quan đến tình trạng dinh dưỡng nói chung và thiếu vi chất của trẻ nhỏ nói riêng.

PGS-TS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, mặc dù nhu cầu cơ thể trẻ chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng khi thiếu lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết cho trẻ thông qua chế độ ăn cần được quan tâm hàng đầu. Bữa ăn của trẻ cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm thuộc 4 nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin – khoáng chất; Các bà mẹ nên thường xuyên thay đổi thực đơn từ khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm.

Ngoài ra, các bà mẹ cũng cần lưu ý, chế độ dinh dưỡng lúc chuẩn bị mang thai và trong thai kỳ cũng rất quan trọng. Dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, trong thời kỳ này vừa giúp thai nhi phát triển tốt vừa giúp bà mẹ dự trữ đủ vi chất dinh dưỡng để nuôi con bằng sữa mẹ sau này.

Các chuyên gia khuyến nghị, mẹ nên cho con bú ngay sau sinh để trẻ tiếp nhận được nguồn sữa non giàu dưỡng chất, đặc biệt hàm lượng vitamin A trong sữa non giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh.

Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ đồng thời xây dựng chế độ ăn dặm hợp lý giúp phòng ngừa trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng và suy dinh dưỡng. Giai đoạn này trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường hô hấp, do vậy bố mẹ cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ.