Theo BS CKII Lại Mạnh Hùng – GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, bệnh nhân tử vong do thủy đậu là nữ 42 tuổi, làm công nhân tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên. Được biết, bệnh nhân bị lây thủy đậu từ con gái.
Ngày 25/2/2024 bệnh nhân xuất hiện rải rác các nốt phỏng nước, sau đó sốt thành từng cơn, đau họng, đau vùng cột sống thắt lưng nhưng gia đình không đưa đi khám mà tự mua thuốc về điều trị. Đến ngày 28/2/2024 bệnh tình ngày càng nặng, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái khám và điều trị với chẩn đoán thủy đậu, biến chứng có bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy gan cấp. Sau 3 ngày điều trị bệnh không thuyên giảm, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị. Sau 4 ngày không đỡ gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và bệnh nhân tử vong ngày 6/3/2024.
Được biết, trước đó, bệnh nhân có tiền sử phình mạch máu não cách đây 2 năm. Thời gian gần đây có biểu hiện mệt mỏi nhiều nhưng vẫn không đi điều trị. Bên cạnh đó, gia đình cho rằng, bệnh thủy đậu chỉ trẻ con mới mắc nên cũng không có biện pháp dự phòng lây nhiễm giữa con gái với các thành viên khác trong nhà.
Ngay sau khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh thủy đầu trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện sớm và xử lý các ổ dịch, ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng. Ông Lại Mạnh Hùng cho biết: “Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tham mưu cho Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống bệnh thủy đậu. Đồng thời thành lập đoàn kiểm tra giám sát hỗ trợ các địa phương để xử lý ổ dịch theo đúng quy định. Phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca mắc bệnh đầu tiên không để lây lan kéo dài, bùng phát thành dịch.”
Hiện đa số các ca mắc thủy đậu lây lan nhanh ở khu vực trường học và nhà trẻ, do trước đó trẻ không được tiêm vaccine phòng thủy đậu. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh nguy cơ bùng phát dịch rất dễ xảy ra.
Người lớn cũng có nguy cơ mắc thủy đậu với biến chứng nặng
Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Thùy, Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em Bệnh viện Da liễu TW cho biết, những ngày gần đây đã rải rác ghi nhận bệnh nhân mắc thủy đậu đến khám, trong đó các trường hợp bị nặng thường là người lớn, chưa từng tiêm phòng thủy đậu và những người có bệnh lý nền khiến hệ miễn dịch bị suy giảm.
"Vừa qua rất nhiều bệnh nhân đến khám do thủy đậu, càng lớn tuổi càng biểu hiện nặng, bệnh nhân sốt cao, nổi nốt phỏng nước khắp người, phải làm các xét nghiệm máu để theo dõi có triệu chứng nặng và kịp thời chuyển bệnh nhân sang cơ sở truyền nhiễm điều trị". Bác sỹ Thanh Thùy cho biết
Cũng theo BS Thanh Thùy, bệnh thủy đậu có thể tự khỏi sau 7 đến 10 ngày, nhưng nếu chủ quan dễ dẫn đến biến chứng khó kiểm soát như viêm não, suy thận, suy đa phủ tạng hoặc viêm gan. Các trường hợp mắc thủy đậu dễ tăng nặng là người mắc ung thư hay những người đang phải sử dụng các thuốc corticoid kéo dài.
Qua thực tế khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Thanh Thùy nhận thấy, chính những quan niệm sai lầm của bệnh nhân khi điều trị như kiêng gió, kiêng nước để bệnh mau khỏi lại khiến tình trạng nhiễm khuẩn nặng lên. "Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh do virus thường họ kiêng gió, nước, thậm chí khi đến bệnh viện che chắn rất kỹ, khiêng tắm rửa trong nhiều ngày. Quan niệm như vậy rất sai vì lúc đầu cơ thể mình có thể chỉ là nhiễm virus thôi, không cần điều trị kháng sinh cũng sẽ ổn nhưng nếu dịch tiết đấy ra mà hàng ngày không được lau rửa thì sẽ bị bội nhiễm do vi khuẩn, bên cạnh đó bệnh nhân bị ngứa và gãi gây chà xát làm cho vi khuẩn xâm nhập từ chân tay làm tình trạng bệnh nặng lên."
Do đó bác sĩ nhấn mạnh người bị thủy đậu cần thiết phải tắm để giữ vệ sinh và giảm ngứa. Một số lưu ý khi tắm, vệ sinh để không làm vỡ các mụn nước mà các bạn cần lưu ý:
-Người bệnh nên cắt móng tay, hạn chế gãi, cào vùng da bị tổn thương.
-Nên tắm bằng khăn bông mềm, lau nhẹ vùng tổn thương, tránh chà xát làm vỡ mụn nước.
-Vệ sinh môi trường, nhà cửa thường xuyên. Lau rửa các vật dụng của người bệnh hàng ngày.
-Ăn đủ các chất dinh dưỡng, uống nước ấm nhiều.
-Đi khám khi có các biểu hiện nghi thủy đậu, không tự ý điều trị tại nhà, tránh biến chứng nặng có thể xảy ra.
Virus gây thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh hoặc lây qua tiếp xúc trực tiếp với quần áo, chăn gối của bệnh nhân, chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Vì thế, khi gia đình có người mắc, BS Thanh Thùy khuyến cáo người bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt, sau đó nếu thấy cơ thể mệt mỏi, có thể sốt đau, mỏi, triệu chứng giống nhiễm virus, trên da xuất hiện những bọng nước thì nên đi khám sớm để được xử lý ngay từ đầu, không để bệnh nặng lên...