Ngoài các loại tinh bột từ lúa gạo, ngô khoai… thì người nội trợ ngày càng có nhiều lựa chọn các sản phẩm được chế biến từ lúa mỳ, lúa mạch… cho bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, gần đây có nhiều thông tin cho rằng gluten – một chất có trong lúa mì, lúa mạch- không tốt cho sức khỏe. Thậm chí gluten còn bị coi là “thủ phạm” gây ra nhiều bệnh tật về đường tiêu hóa, dị ứng, các bệnh tự miễn, bệnh về thần kinh… Cùng với đó là những bài viết, những quảng cáo về lợi ích của chế độ ăn không gluten như giúp giảm cân, cải thiện các triệu chứng của một số bệnh lý như viêm da, viêm khớp,tự kỷ ở trẻ nhỏ, bệnh vảy nến …Do đó, nói không với thực phẩm chứa gluten đang trở thành trào lưu được hưởng ứng rộng rãi. Trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều sản phẩm mà bên ngoài nhãn mác ghi là “Gluten free” (tức là không chứa gluten).

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh – Viện Y học ứng dụng VN, gluten là một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và tiểu hắc mạch. Gluten không chỉ có trong các sản phẩm từ lúa mạch mà còn hiện diện trong các dẫn xuất của lúa mỳ như mạch nha, men bia hoặc các sản phẩm như lạp xưởng, xúc xích, đồ chay, khoai tây chiên, một số loại nước sốt và cả mỹ phẩm. Hầu hết mọi người đều có thể ăn gluten mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ dân số bị dị ứng với gluten (hay còn gọi là bệnh celiac) hoặc những người không dung nạp với gluten mới cần cắt giảm chất này trong chế độ ăn. Còn những người sức khỏe bình thường thì không cần thiết phải từ bỏ các thực phẩm chứa gluten.

Việc áp dụng chế độ ăn không có gluten cũng không có tác dụng gì cho việc giảm cân. Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh , thừa cân béo phì liên quan đến chế độ ăn uống dư thừa năng lượng và ít vận động thể lực. Khi bạn loại bỏ bất cứ một thành phần nào ra khỏi chế độ ăn thì cũng sẽ có khả năng bạn sẽ thay thế thành phần đó bằng một thành phần khác khiến bạn tăng cân nhiều hơn. Hơn nữa, quá trình chế biến loại bỏ gluten cũng sẽ làm mất chất xơ và các chất dinh dưỡng trong thực phẩm và chỉ còn tinh bột, lại khiến chúng ta dễ bị tăng đường huyết, tăng mỡ máu, rối loạn chuyển hóa. Thông tin chế độ ăn không gluten làm giảm một số triệu chứng viêm ở các bệnh lý miễn dịch, bệnh tự kỷ ở trẻ hay bệnh về thần kinh cũng không có cơ sở khoa học.

PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh, các thực phẩm được ghi là “không chứa gluten” không hề lành mạnh hơn thực phẩm thông thường như quảng cáo. Hơn nữa, giá thành các sản phẩm này lại đắt hơn so với thực phẩm bình thường. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe là điều đáng khuyến khích. Thế nhưng, việc sử dụng thực phẩm “không chứa gluten” nếu như chỉ chạy theo trào lưu, sẽ chỉ khiến người tiêu dùng bị tốn tiền trong khi lại chẳng mang đến lợi ích gì cho sức khỏe.