Theo BS Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, Viện y học ứng dụng Việt Nam: cơ chế chính gây ra mùi cơ thể là do các vi khuẩn trên da chuyển hóa protein và đường trong mồ hôi tạo ra mùi khó chịu. Một số người có cơ thể nặng mùi hơn bình thường do một trong các nguyên nhân như: di truyền, vệ sinh cá nhân và các vấn đề về bệnh lý như tiêu hóa, chuyển hóa, bệnh gan, tiểu đường…

Thực phẩm chúng ta ăn và uống không phải là nguyên chính nhưng có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể theo hai hướng: nồng nặc hơn hoặc cải thiện tốt hơn.

Những thực phẩm khiến mùi hôi cơ thể đậm đặc hơn

Khi ăn nhiều thực phẩm có protein cao như thịt đỏ, do trong thịt đỏ chứa nhiều thành phần như axit béo, khi nó dư thừa trong cơ thể thì nó có thể đào thải qua mùi mồ hôi. Chính hệ vi khuẩn trên da sẽ sử dụng các nguồn axit béo, protein trong mồ hôi và phân hủy, tạo mùi hôi cho cơ thể - BS Nguyễn Hoài Thu phân tích.

Chất kích thích, đồ uống có cồn như cà phê, rượu, bia,… có tính axit mạnh khiến quá trình tiết ra mồ hôi nhiều hơn dẫn tới mùi cơ thể khó chịu hơn.

Các loại cải, súp lơ xanh chứa rất nhiều chất sunfat nên khi tiêu hóa chất này có thể gây ra các phản ứng hóa học trong cơ thể tạo ra mùi hôi

Các loại gia vị hay thức ăn cay, nồng như hành, tỏi, ớt sẽ mang theo mùi khó chịu vào cơ thể và theo tuyến mồ hôi tiết ra ngoài

Tạo sao ăn hành, tỏi lại khiến mồ hôi nặng mùi hơn?

Hành và tỏi có chứa hợp chất lưu huỳnh hữu cơ dễ bay hơi và tinh dầu tạo ra mùi đặc trưng cho hành, tỏi. Nghiên cứu y học xác nhận tỏi có hơn 100 thành phần dược phẩm với 43 hợp chất bay hơi có chứa lưu huỳnh, 13 hợp chất axit sunfuric.

Trong tỏi có Allicin tạo cho tỏi có mùi đặc trưng. Allicin cũng có tác dụng bảo vệ tỏi khỏi mầm bệnh và sâu bệnh.

Allicin có thể thấm qua màng tế bào hoặc đi vào trong máu và sau đó được bài tiết ra khỏi cơ thể thông tuyến mồ hôi apocrine ở vùng nách, vùng quanh sinh dục và vùng chân. Mùi này kết hợp với với mùi mồ hôi dầu do tuyến apocrine tiết ra làm cho mùi hôi nách nặng hơn.

Trong hành (củ hành tím) chứa nhiều chất S-oxit propanethion và allinase tạo thành mùi hắc nhẹ - mùi đặc trưng của các loại hành và được nhiều người ưa thích. Các chất này khi vào trong dạ dày sẽ gây phản ứng hóa học với dịch tiết tiêu hóa để giải phóng các gốc lưu huỳnh tự do.

Những thực phẩm giúp hạn chế mùi hôi cơ thể

Uống nhiều nước sẽ giúp quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố diễn ra nhanh hơn. Vì thế, khi uống nhiều nước, mồ hôi tiết ra sẽ giảm bớt chất cặn bã độc tố và làm mùi giảm đi đáng kể.

Nên ăn các loại trái cây tươi, nhiều vitamin và nước như cam, chanh, dưa hấu là gợi ý của BS Hoài Thu. Vitamin trong hoa quả tươi giúp tăng tốc độ bài tiết, hạn chế mùi hôi. Đặc biệt, trong dưa hấu chứa nhiều nước và các dưỡng chất cần thiết cải thiện mùi hôi hơn các loại trái cây khác.