Thảm họa quá tải ở các cơ sở y tế có thể xảy ra nếu không chuẩn bị kỹ càng

Hiện tại TP. HCM đã thành lập 4 bệnh viện dã chiến với công suất 12.000 giường bệnh để chăm sóc, điều trị các ca bệnh không triệu chứng và bệnh nhẹ. Lực lượng cán bộ, nhân viên y tế tại 4 bệnh viện dã chiến này được huy động từ các đơn vị trên địa bàn.

Ngành y tế TP. HCM cho biết, hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh thành phố cùng hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến này. Mỗi đợt luân phiên kéo dài 4 tuần, trong thời gian đó các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại đây không về nhà.

Bên cạnh đó, hiện toàn TP có BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Chợ Rẫy, BV Nhi Đồng, BV Cần Giờ, BV Củ Chi và BV Trưng Vương đang đảm nhiệm điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch với tổng công suất gần 5000 giường bệnh.

Tuy nhiên, nếu số ca bệnh tăng lên đến 50.000 trường hợp, cơ sở vật chất và nguồn lực như hiện tại sẽ không thể đủ đáp ứng. Thảm họa quá tải cơ sở y tế có thể xảy ra nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.

TP. HCM cần chuẩn bị như thế nào?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ chiếm khoảng 65-70%. Những trường hợp này ít triệu chứng, chỉ cần cách ly thật tốt, điều trị nâng cao thể trạng miễn dịch, bảo đảm về điều kiện chăm sóc sẽ nhanh khỏi bệnh. Như vậy sẽ có khoảng 32.500 đến 35.000 trường hợp nhẹ (trong tổng số 50.000 ca mắc) sẽ không cần phải có đội ngũ các thầy thuốc quá chuyên sâu và máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ điều trị.

Hiện toàn TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ, nên cân nhắc việc cách ly F1 tại nhà. Ông Phu cho rằng, TP HCM nên thành lập thêm các bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhẹ để giảm áp lực cho các bệnh viện lớn, tập trung điều trị bệnh nhân nặng.

Bộ Y tế sẽ cử lực lượng khoảng 10.000 cán bộ y tế giúp TP HCM lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ. Lực lượng cán bộ này có thể đáp ứng được công tác điều trị cho các bệnh viện dã chiến khi số ca bệnh tăng cao.

Bên cạnh đó, để giảm bớt sức lao động của các cán bộ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, cơ sở y tế, PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cần ứng dụng công nghệ thông tin cho tất cả các hoạt động như lấy mẫu xét nghiệm, quản lý bệnh nhân, tiêm chủng….Chỉ có như thế mới giảm được thời gian dành để ghi chép, thống kê, làm báo cáo của nhân viên y tế và họ mới có thời gian tập trung làm chuyên môn, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Điều này đã được chứng minh có hiệu quả qua những đợt dịch trước đây ở Hải Dương và Bắc Giang. Các chuyên gia của Bộ Y tế có thể hỗ trợ TP HCM ứng dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động chống dịch một cách đồng bộ và bài bản.

Đối với công tác điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý TP cần rà soát lên kế hoạch chuẩn bị chi tiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng điều trị cho khoảng 2.500 đến 3.500 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Nếu cần hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị cần sớm đề xuất với Bộ Y tế để lên phương án điều động kịp thời.

Một vấn đề nữa mà PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý, cần có sự điều hành đồng bộ giữa lực lượng y tế của TP HCM với lược lượng y tế được điều động chi viện từ các tỉnh thành khác. Cần phân công rõ nhiệm vụ của từng nhóm để hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả. Tránh tình trạng nhân viên y tế đông nhưng công việc lại bị chồng chéo kém hiệu quả.

Trả lời phóng viên VOV2, BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, hiện nguồn lực y tế của TP HCM đang bị phân tán quá nhiều cho các hoạt động như lấy mẫu, tiêm chủng…Cần chọc lọc những cán bộ có chuyên môn để ưu tiên đào tạo cho công tác điều trị bệnh nhân nặng. Việc làm này phải làm ngay để kịp ứng phó với tình hình phức tạp hiện nay.

BS Khanh cũng đề xuất, thành phố nên tận dụng các bệnh viện có thế mạnh về hồi sức như BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115 tiếp nhận điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch khi số ca mắc ngày một tăng cao. Bởi các cơ sở này có sẵn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn lực để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Bên cạnh đó, thành phố cần hạn chế lượng bệnh nhân COVID-19 chuyển từ các tỉnh lân cận lên TP HCM. Để làm được việc này, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh Bộ Y tế cần quan tâm chi viện lực lượng cán bộ y tế có chuyên môn cao tới các tỉnh lân cận để đảm bảo công tác điều trị ngay tại địa phương.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh hơn nữa công tác xét nghiệm, đa dạng các phương án test nhanh bởi đối với sự trở lại của SARS-CoV-2 trong lần này, mọi phản ứng của chính quyền thành phố đã đi chậm so với tốc độ lây lan nhanh của virus.